Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Việt Nam ơi, tại sao?

Tác giả: NGUYỄN QUANG THẠCH

Nếu mỗi công dân chúng ta mơ về một Việt Nam được tôn trọng bởi tính trung thực, bởi lòng yêu thương con người, bởi những con tàu ra đại dương, bởi những tàu vũ trụ và chúng ta kiên trì hành động với tinh thần của ông thợ mộc và con cháu ông thì 50 năm sau một công dân của một đất nước nào sẽ gọi tên Việt Nam với sự thán phục và tôn trọng như chúng ta gọi tên Hàn Quốc và Nhật Bản như bây giờ.
LTS: "Ngồi trên núi vàng, sao Việt Nam vẫn nghèo?" trong khi Hàn Quốc, cũng xuất phát điểm như ta, nghèo tài nguyên như ta, giờ đã là cường quốc? Câu hỏi này đã đánh động đến tâm thức của nhiều bạn đọc. Bài viết dưới đây của độc giả Nguyễn Quang Thạch, cố gắng trả lời câu hỏi này từ quan điểm riêng của mình, thông qua những quan sát từ đời sống. Có thể những quan sát này của tác giả chưa hẳn đã bao quát và toàn diện, song cũng là một góc nhìn riêng đáng chú ý. Mời bạn đọc cùng tranh luận.
Vài nét về người viết: Nguyễn Quang Thạch là tác giả của sáng kiến xây dựng các tủ sách dòng họ ở những vùng nông thôn Việt Nam, với mong muốn mọi người Việt yêu sách, ham đọc sách. Sáng kiến của anh đã được nhiều người hưởng ứng và thực hiện được trong thực tế.
Những câu hỏi mà Người quan sát đặt ra trong bài Tại sao, Hàn Quốc? tương tự những bậc đại trí của dân tộc cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Vĩnh... đã đặt ra trong thế kỷ trước. Các cụ đã nhận diện ra những đặc tính xấu và yếu kém mà người Việt cần học người Nhật hay phương Tây để thay đổi nó.
Tiếc thay, lý thuyết khai trí phục quốc và kiến quốc của cụ Phan Chu Trinh đã không thể thành công khi một quốc gia nô lệ với trên 95% dân số mù chữ. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã hiện thực hóa ý tưởng của cụ Phan Chu Trinh một cách khôn khéo và đồng tồn được với Pháp quốc gần 20 năm và đã tạo nền tảng khai trí cho người Việt bằng đơn giản hóa chữ quốc ngữ cũng như phổ biến tri thức cho nhân dân thời đó. Nỗ lực của cụ Vĩnh không "chết yểu" như cụ Phan và di nguyện của cụ đã được tiếp tục từ năm 1945 khi chính phủ Cụ Hồ ra đời.
Khởi nguồn từ phong trào bình dân học vụ với những trí thức được Pháp đào tạo, chỉ trong một thời gian ngắn đã giúp cho hàng triệu người biết chữ. Thành tựu to lớn từ phong trào bình dân học vụ và giáo dục đại chúng đã giúp cho những tá điền và con cái họ biết chữ, có cơ hội học hành lĩnh hội tri thức phục vụ kháng chiến sau này.
Cái được lớn nhất mà chế độ mới đã giành được là tạo ra nền giáo dục đại chúng, ai ai cũng được học hành. Con cháu của những tá điền làm việc cho gia đình tôi trước năm 1954 của thế kỷ trước bây giờ đã trở thành kỹ sư, thạc sỹ và có người là tiến sỹ.
Tôi đã đặt câu hỏi nhiều lần tại sao trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp và 20 năm chống Mỹ, mặc dầu dân trí rất thấp so với bây giờ nhưng lại có đủ trí tuệ để chiến thắng với những đế quốc hùng mạnh? Tại sao bây giờ số lượng kỹ sư, cử nhân và tiến sỹ nhiều gấp hàng chục lần ngày xưa lại chưa góp phần đưa đất nước ngang bằng những nước vốn thiếu điều kiện phát triển như Hàn Quốc, Singapore lúc trước...?
Thực tế trải nghiệm cuộc sống của một công dân sinh ra sau chiến tranh, tôi thấy rằng đất nước chúng ta đã vượt trước năm 1945 nhiều lần nhưng chưa thể bứt phá theo đúng tiềm năng sẵn có mà ít quốc gia khác có được với những nguyên nhân sau.
Chấp nhận sự dối trá và cổ vũ ăn cắp, tham nhũng?
    Bức tranh đám cưới chuột và câu nói "quan tham dân gian" là những minh chứng phản ánh sự chấp nhận và thừa nhận thói dối trá và cổ vũ cho thói ăn cắp và tham nhũng đã nằm trong tâm thức dân chúng tự ngàn đời xưa.
    Vậy còn thời nay thì sao? Bi kịch thay là nạn tham nhũng đang được nhiều người dân từ công chức cổ cồn trắng, quan chức lẫn người dân ngoài bộ máy hành chính, theo một cách nào đó, "cổ vũ" khắp nơi.
    Xin đơn cử vài những hành động biểu thị sự cổ vũ đó:
    - Các cán bộ cấp trên xuống làm việc với cấp dưới thường hoặc phải được đối đãi "tử tế" bằng tiệc tùng xa xỉ và phong bì mang về.
    - Bạn bè gặp nhau bằng các bữa tiệc và kẻ chi tiền phần nhiều là những kẻ đục khoét tiền do dân đóng thuế thông qua các công việc đáng lẽ phải làm để phục vụ cộng đồng. Đám bạn bè được chiêu đãi đang tán dương và cổ vũ "tài ăn cắp" của ông bạn mình.
    - Vào bệnh viện, ngoại trừ những người quá nghèo, đều chấp nhận cống nạp cho bác sỹ để mong được chăm sóc theo đúng quy định, vân vân và vân vân.
    - Qua gặp cán bộ địa chính làm sổ đỏ cũng lại lót tay chút đỉnh cho việc mau chạy....
    Hành vi lẫn thói quen cổ vũ tham nhũng đã tạo thành dây xích mà các móc xích vừa to lớn vừa bị ô xy hóa làm cho chúng ta khó thấy được những giá trị thuần kim loại. Thói quen chấp nhận hành vi cũng như cổ vũ tham nhũng đã và đang biến các sợi dây nhỏ mà chính chúng ta không nhận ra thành những sợi dây lớn mà chính chúng ta không thể phá bỏ nó.
    Thực trạng tham nhũng của đất nước ta hiện nay là những siêu dây mà chỉ có thể phá bỏ nó khi mọi người dân coi trung thực là yếu tố nghiễm nhiên của đời sống.
    Không dám đối mặt với chính mình, thích tô vẽ và háo danh
    Giữa thế kỷ 19, người Nhật, một đất nước bị ảnh hưởng khá nặng bởi tư tưởng Khổng Giáo đã dám đối mặt với thực tế là nhìn nhận những khuyết thiếu của dân tộc họ để thay đổi. Người ta dám thừa nhận rằng người Nhật có thần dân chứ không quốc dân Nhật, nghĩa là người ta thừa nhận sự thiếu tinh thần dân tộc trong mỗi công dân. Khi đã nhận ra những khuyết thiếu của chính mình nghĩa là người ta dám thay đổi chính mình và người Nhật đã phi Hán hóa và thoát Á từ đó. Họ đã trở thành cường quốc.
    Người Hàn Quốc từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước cũng đã thừa nhận sự yếu kém của mình và tìm đường đi cho mình với sự đồng thuận trong phong trào Saemaul Undong, một phong trào đã đưa nông dân Hàn Quốc ra khỏi đói nghèo và là nền tảng cho cuộc cách mạng cộng nghiệp.
    Chính phủ Hàn đã xuất khẩu con người để nhập khẩu tri thức, nghĩa là hàng trăm ngàn du học sinh, giáo sư đã sang Nhật, Mỹ và châu Âu để đi "ăn mày tri thức" trong hơn 20 năm trời.
    Việt Nam chúng ta thì sao? Chúng ta vẫn còn nặng tâm lý và thói quen tô vẽ chính mình và không dám nhìn vào chính mình. Xin hỏi có bao nhiêu công dân chúng ta dám thừa nhận mình kém, bao nhiêu lãnh đạo chúng ta thừa nhận thực tế để thay đổi như anh hùng Kim Ngọc? Bao nhiêu người chỉ dám nhận danh khi danh đấy là chính danh? Bao nhiêu người được tán dương là chuyên gia hàng đầu trong ngành này ngành nọ nhưng xin hỏi cái hàng đầu kia có bán ra chợ thế giới được không?
    Có ấn tượng, ở nhà cha mẹ con cái tô vẽ lẫn nhau; đến trường chúng ta tô vẽ những điều xa rời thực tế; đến cơ quan, sếp và nhân viên tô vẽ nịnh bợ lẫn nhau.
    Quan niệm "tốt khoe, xấu che" là một thứ sai lầm vì cái xấu kia sẽ trở thành vô cùng xấu và lấn át hoặc giết chết cái tốt đẹp lúc nào không hay.
    Thiếu đoàn kết, ghen ăn tức ở
    Thói xấu "trâu buộc ghét trâu ăn" ngày càng phát triển. Câu chuyện 3 người Việt rơi xuống hố và cùng chết ở dưới hố là sự đúc kết đáng để chúng ta phải suy ngẫm.
    Chúng ta thường tự hào chúng ta đoàn kết nhưng mỗi chúng ta còn ghen ăn tức ở, còn dối trá, còn thích tô vẽ và được tô vẽ, còn thích danh hão...thì đoàn kết ở chỗ nào? Khi mỗi cá nhân còn muốn vơ cho mình những thứ không chính danh thì làm sao chúng ta mong có được đoàn kết thực sự. Có chăng, đó chỉ là cái vỏ đoàn kết che đậy sự chia rẽ bên trong.
    Nhiều lý thuyết, kém hành động, yếu thực hành
    Những năm tháng làm công chức của tôi ở đâu cũng nghe thuyết giảng về điều hay lẽ phải, được nghe những thứ cao siêu về kỹ thuật cầu đường nhưng tiếc rằng các sản phẩm lại là những người công nhân và kỹ sư bám hiện trường.
    Rồi có nhóm người nữa thì suốt ngày ngồi chỉ trích cái này cái kia nhưng bản thân chỉ có hành động nào để thay đổi thực trạng mà họ chỉ trích.
    Cái sự học mà không hành đang nhan nhản khắp mọi nơi. Có kỹ sư cơ khi lên mặt dạy cho anh thợ hàn bậc 5 hàn dầm thép của cầu. Hãy hàn như thế này, hãy hàn như thế kia. Đến khi anh thợ cầu đưa que hàn cho hàn thì anh kỹ sư loay hoay cả tiếng đồng hồ không làm được..
    Thiếu tiêu chuẩn sống
    Thời phong kiến, người ta có tiêu chí sống rõ ràng gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Những tiêu chí này là giới hạn để mọi công dân khi sinh ra và lớn lên cần hướng tới tiêu chuẩn đó. Hiện nay có cảm giác hình như chúng ta đang thiếu vắng nhiều những tiêu chí đó. Nhiều khi, xã hội đánh đồng sự thành đạt đồng nghĩa với giàu có và chức vụ. Khi sự giàu có và danh vọng nằm ngoài giới hạn của đạo đức, lòng nhân ái và trách nhiệm làm người thì đừng mong đất nước đó được tôn trọng.
    Một đất nước có nhiều điều khuyết thiếu như nêu trên liệu đất nước ta có thay đổi được không?
    Tôi có đọc truyện "Người xây ngôi nhà trong giấc mơ", chuyện dài nhưng tôi xin tóm lược như thế này:
    Có người đàn ông ly quê 11 năm và đã học được nghề mộc. Sau khi về làng, người thợ mộc lại tiếp tục hành trình 10 làm thuê nhưng hầu như ông không lấy công bằng tiền mặt mà chỉ xin chủ nhà cho mình một khúc gỗ dài ngắn khác nhau tùy theo công của mình. Đêm đêm, ông đục đẽo những khúc gỗ thành từng bộ phận của ngôi nhà theo giấc mơ của mình chính xác một cách tuyệt vời.
    Mười năm sau ông dựng lên ngôi nhà mà người thường mơ thấy cả trong những năm tháng đói nghèo tha phương. Một ngôi nhà gỗ mái ngói bảy gian. Đó là một ngôi nhà rất lớn thời đó.
    Khi khánh thành nhà, người anh thúc bá với ông thợ mộc cầm chiếc ba-toong khệnh khạng bước đến đập vào mái nhà ông và nói: "Chúng bay định xây nhà to hơn người khác à. Rồi chúng bay cũng bán nhà và đi ăn mày thôi. Thớ chúng bay không được ở nhà cao cửa rộng ". Ông thợ mộc không nói một câu gì mà chỉ cầm miếng ngói vỡ cài dưới mái nhà nơi ông tôi nằm ngủ. Ông thợ mộc làm vậy để đêm đêm mỗi khi đi ngủ nhìn thấy miếng ngói vỡ mà nhớ đến lời rủa độc của người anh thúc bá để dù chết cũng không bán ngôi nhà.
    Theo di nguyện của ông, đến đời con và cháu của ông thợ mộc kể trên không những không bán ngôi nhà mà còn làm một ngôi nhà to hơn ở bên ngôi nhà trăm tuổi đó. Tư tưởng của ông thợ mộc đã giúp cho con cháu và dòng tộc trường tồn và hùng mạnh.
    Nếu mỗi công dân chúng ta mơ về một Việt Nam được tôn trọng bởi tính trung thực, bởi lòng yêu thương con người, bởi những con tàu ra đại dương, bởi những tàu vũ trụ và chúng ta kiên trì hành động với tinh thần của ông thợ mộc và con cháu ông thì 50 năm sau một công dân của một đất nước nào sẽ gọi tên Việt Nam với sự thán phục và tôn trọng như chúng ta gọi tên Hàn Quốc và Nhật Bản như bây giờ.

    http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-13-viet-nam-oi-tai-sao-

    Không có nhận xét nào: