Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Tự hào dân tộc nhìn từ bóng đá và “Nobel toán học”

Từ câu chuyện người Việt cổ vũ bóng đá và sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu giành giải thưởng toán học quốc tế, anh Quang Thạch trăn trở về cách thể hiện sự tự hào dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. VNR500 giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của anh. Các ý kiến trao đổi với tác giả, xin gửi về vnr500@vietnamnet.vn

Người Việt sẵn sàng “đêm trắng” cùng bóng đá, phố phường rộn rã đón chào “những người hùng sân cỏ” trở về nhà, nhưng hôm qua, khi dân tộc Việt lần đầu tiên được cộng đồng thế giới vinh danh, phố xá vẫn lặng yên, không cờ hoa và thiếu tiếng champane nổ ròn.
Ở nước ngoài, mỗi khi có nhà khoa học hay công dân giành được các giải thưởng quốc tế lớn trong các cuộc tỉ thí tài năng khoa học tự nhiên và xã hội, người dân nước đó đổ xô ra đường ăn mừng với niềm vui tự đáy lòng và lòng tự hào dân tộc trào dâng.
Ở Việt Nam, mỗi khi đội bóng Việt Nam được vào chung kết thì rất nhiều người Việt, từ trẻ tới già, mang cờ đỏ sao vàng chạy khắp phố xá, làm rung động phố phường. Và đêm thức trắng, đêm không ngủ, thao thức cùng bóng đá. Bóng đá trở thành một thứ “thuốc phiện” khiến người ta lú lẫn, quên ăn quên ngủ.
Hôm qua, báo chí trong nước và nước ngoài đều rầm rộ đưa tin giáo sư Ngô Bảo Châu giành được huân chương Fields, giải thưởng được coi như một “Nobel về toán học”, nhưng mọi hoạt động ở Hà Nội thì vẫn như thường nhật. Những tưởng câu chuyện Ngô Bảo Châu sẽ khiến phố phường thủ đô nghìn năm văn hiến rợp cờ hoa, nhưng hóa ra không phải.
Câu chuyện về người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng khoa học quốc tế danh giá, người châu Á thứ 4 giành giải thưởng Fields trong suốt 70 năm qua, có vẻ như là sự tự hào của riêng báo chí và một số ít người yêu khoa học hoặc cư dân mạng.
Ngoài đời thực, chỉ có số ít sinh viên tỏ ra hào hứng, đổ ra đường để thể hiện niềm tự hào dân tộc. Sự háo hức này không lôi kéo được ai, chỉ khiến vài người tò mò “cổ vũ cái gì thế nhỉ?”, “chắc là ngày lễ gì đó”... Cũng có vài người hỏi, “anh Châu được giải Nobel rồi à?” cứ như thể đó là một chuyện rất thường.
Cái sự lạc lõng đó khác hẳn với tinh thần bóng đá, thậm chí còn thua sút hơn cả việc một nam diễn viên Hàn Quốc hay một ban nhạc châu Âu lần đầu sang Việt Nam.
Hành động biếu thị niềm vui, niềm tự hào dân tộc của dân chúng, đặc biệt là giới trẻ đối với khoa học dường như lạnh nhạt hơn nhiều so với bóng đá, ca sĩ hoặc hoa hậu. Phải chăng điều này cho thấy, người Việt Nam chỉ quan tâm tới những sự kiện mang tính bề nổi, hơn là những giá trị thể hiện đẳng cấp thực sự của dân tộc.

Không có nhận xét nào: