Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Trên đất Việt, người Việt bị công nhân Trung Quốc đánh đập tàn nhẫn

Bài viết này được thực hiện vì số phận của người Việt ở xung quanh các nhà máy và công trình có sự hiện diện của công nhân Trung Quốc nói riêng và toàn dân tộc Việt Nam nói chung.

Mỗi lần xem Video clip do báo điện tử Vietnamnet đăng tải ( http://www.youtube.com/watch?v=fiOkCqUEkPM ) phản ánh việc hàng công nhân Trung Quốc đã xông vào nhà dân Việt Nam đập phá ở khu công nghiệp Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia-Thanh Hóa vào dêm 28/12/2008, tôi uất ức vô cùng. Cảm giác phẫn uất tột độ sau chuyến đi công tác tại huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình.


Ngày 29/9/2011,  đến gặp Nguyễn Tiến Dũng đang sinh sống tại thị trấn An Bài, nơi có khu công nghiệp Cầu Nghìn, một nạn nhân bị công nhân Trung Quốc vô cớ đánh gãy chân vào đêm 25/11/2009, mới thấy rằng: Bọn công nhân Trung Quốc  đã rất  xem thường người dân và pháp luật Việt Nam nên chúng đã ngang nhiên đánh đập người Việt chúng ta.

Tôi xin trích dẫn một đoạn trong “Đơn tố cáo  và đề nghị” do vợ của nạn nhân Nguyễn Tiến Dũng gửi UBND huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với sự xác nhận của Công an thị trấn An Bài vào ngày 28-11-2009 với các nội dung “…. Vào khoảng 77 giờ tối ngày 25/11/2009 có vụ tại nạn giao thông ở quốc lộ 10 gần nhà tôi, chồng tôi là Nguyễn Tiến Dũng ra xem thấy người nằm bất tỉnh, liền gọi điện cho Công An giao thông biết, sau đó chở người bị nạn đến bệnh viện đa khoa Phụ Dực cứu chữa. Khi ra về, đến cổng bệnh viện, thì thấy chuỗi người dài lố nhố từ cổng bệnh viện đến phố Tư Môi độ hơn 100 người Trung Quốc, người nào cũng có vũ khí bằng típ thép dài độ 1,2 m đến 1,5 , có cả dùi cui điện đang xăn (săn) đuổi người Việt Nam, chồng tôi đứng lại xem bất ngờ người Trung Quốc dí dùi cui điện vào người chồng tôi (chồng tôi) ngã lăn ra rồi dùng típ thép đánh xối xả vào người, vào chân phải, bị gẫy và dập nát nhiều mảnh. Bị ngất  xỉu tại cổng bệnh viện. Lúc đó không may cho chồng tôi những người phục vụ bệnh viện, và những nạn nhân trong bệnh viện, kể cả bệnh nhân nếu chạy được cũng phải chạy xơ tán, ẩn nấp sợ người Trung Quốc vừa đổ mấy xe ô tô người đổ vào bệnh viện đánh họ, đến khi công an thị trấn và cờ đỏ đến vào khênh chồng tôi đi cấp cứu. Người cờ đỏ đầu tiên cũng bị một đòn, dân phố Tư Môi nhiều nhà khiếp quá, phải tắt điện đóng cửa lại …”. Xin mời xem tiếp tại văn bản trong ảnh.

Mặc dù đánh anh Dũng gãy chân nhưng phải qua nhiều đơn thư khiếu nại bọn Trung Quốc mới đền bù cho anh Dũng 20 triệu đồng. Anh Dũng là cựu quân nhân (đi lính từ 1990-1994). Sau lần bị đánh và phải điều trị 1 năm, anh Dũng đã không còn khả năng tìm kiếm sinh kế, thần kinh bị ảnh hưởng nên không ai thuê làm việc. Trước khi bị đánh, anh là trụ cột của gia đình với sinh kế từ lái xe công nông và làm thợ cơ khí.

Theo anh Dũng và một số người dân thì việc người dân việc công nhân Trung Quốc đánh dân bản địa đã xảy ra một số lần khác. Hiện đã có 2 công nhân Việt Nam tại nạn chết trong nhà máy Shengli. Công nhân Trung Quốc đã làm xáo trộn và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống vốn rất yên bình của nhân dân nơi đây. Điển hình là người dân chịu ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn từ nhà máy. Một người dân nói “sinh hoạt của công nhân Trung Quốc đang làm hư bọn trẻ ở đây”. Một dân khác nói rằng “dân chúng tôi rất phẫn uất bọn công nhân Trung Quốc nhưng không làm gì được, biểu tình chống chúng thì không có ai dẫn đầu mà lại sợ bị đi tù”.

Liên quan đến nhà máy thép này, báo Pháp luật và Xã hội số 131 (517) Thứ Sáu ngày 5/11/2010 đã có bài “Một ngôi mộ tổ bị san lấp”. Xem bài như ảnh chụp kèm theo.

Trên xe khách từ cầu Nghìn về Hà Nội, tôi đã kể chuyện anh Dũng bị đánh thì có một hành khách nói rằng “ở Thủy Nguyên-Hải Phòng chúng tôi, bọn công nhân Trung Quốc đã đánh dân nhiều lần”.

Qua video clip dân bị đánh ở Thanh Hóa, qua câu chuyện ở Thái Bình, tôi thấy rằng việc công nhân Trung Quốc lộng hành đã không là chuyện của người dân bản địa mà là chuyện của người Việt chúng ta bởi vậy cần nhiều tiếng nói hơn nữa. Các nhà báo của tổ quốc và nhân dân phải hành động thực sự bằng cách đi thực địa để thu thập các thông tin ở các tỉnh có các nhà máy Trung Quốc đang hoạt động.  Khi có thông tin từ nhiều tỉnh khác nhau, chúng ta phải kiến nghị với Chính phủ  không tiếp tục cấp phép cho các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng các nhà máy và đưa người sang Việt Nam trực tiếp sản xuất.
Đối với các nhà máy đã thuê đất 50 năm như Shengli ở Thái Bình (theo thông tin từ người dân bản địa) cần phải cho công nhân Trung Quốc rút về nước và thay vào đó là công nhân Việt Nam.

                                       Đơn tố cáo  và đề nghị (trang 1)

                              Đơn tố cáo  và đề nghị (trang 2 & 3)
                                3 ảnh chứng việc anh Dũng bị đánh năm 2009
                                                      Ngôi mộ tổ bị san lấp

Nguyễn Quang Thạch

Tham khảo:
  1. Đơn tố cáo và kiến nghị ngày 28/11/2009 do gia đình cấp
  2. Ảnh chụp lại các bức ảnh anh Dũng bị đánh vào 25/11/2009.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

LÀM GÌ ĐỂ ĐƯA SÁCH VỀ QUÊ?

Nguyễn Quang Thạch
Bài đã đăng trong Chuyên đề văn hóa  đọc của tờ THỜI NAY 
Thực trạng lâu thay đổi và chậm được điều chỉnh là khu vực nông thôn, cơ hội tiếp cận sách báo khó khăn hơn nhiều so với đô thị, thị xã, thị trấn. Làm gì để có các nhóm giải pháp “sách hóa” nông thôn được sách hóa trên cơ sở khả thi và ít kinh phí nhất?

Èo uột thư viện cơ sở
Thực tế tại nhiều địa phương, hệ thống thư viện cấp xã đã gần như không tồn tại, thay vào đó là gần 7.969 điểm bưu điện văn hóa xã. Nhưng hệ thống này đã ngủ khá lâu và đang tự đánh mất vai trò của mình. Thay vào việc “khai tử” nó, ngành thư viện nên xin tiếp nhận hạ tầng cơ sở này để chuyên nghiệp hóa thư viện tại cấp xã. Theo ước tính, nếu đầu tư mỗi điểm 1.000 đầu sách thì mỗi xã mất khoảng 20 triệu đồng. Tổng số đầu tư cho 7.969 điểm sẽ là 159,380 tỷ đồng. Hằng năm, nếu trả lương cho 7.969 thủ thư với mỗi tháng 1 triệu đồng thì tổng kinh phí sẽ là  95,628 tỷ đồng/năm. Để phát triển phong trào đọc sách, phục vụ tốt hơn nhu cầu nhân dân, nhất là so với chi phí cho nhiều lĩnh vực khác, đây chỉ là con số rất nhỏ.
Thư viện trường học cấp xã lâu nay cũng ở trong cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Qua khảo sát mà chúng tôi thực hiện tại các xã An Dục, Đồng Tiến và An Vũ thuộc huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình, các em học sinh rất ít có cơ hội tiếp cận sách đầy đủ và đa dạng như học sinh thành phố. Thư viện tại nhiều trường, có cũng như không. Chính sách xã hội hóa được coi như sự mở đường trong ngành thư viện. Tuy nhiên, sau nhiều năm, cả Bộ VHTT&DL và Hội Khuyến học vẫn  chưa đưa ra các quy định cứng để đánh thức hàng trăm tỷ đồng đang nằm trong dân nhằm tham gia tiến trình xã hội hóa thư viện. Hàng chục nghìn ngôi làng đã được công nhận làng văn hóa/thôn văn hóa. Thế nhưng, tủ sách/thư viện - nhân tố gốc rễ lại hầu như không có trong các ngôi làng vì trong quá trình thẩm định làng văn hóa, tủ sách/thư viện chưa phải là tiêu chí ưu tiên hàng đầu!? Chỉ cần chi khoảng 4 triệu đồng đã có một tủ sách cho làng. Trong khi đó, người dân đã đóng góp hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để xây những cổng làng hoành tráng và gắn chữ làng văn hóa.

Nên đưa tủ sách vào tiêu chí
Sau một năm mô hình Tủ sách phụ huynh được thử nghiệm, đặt tại các lớp học Trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ - Thái Bình, số lượng sách học trò được tiếp cận tăng ít nhất 15 lần so với thư viện nhà trường chỉ có khoảng 100 đầu sách cho học sinh. Đặc biệt hơn, theo thầy Lưu Thanh Thụ - Hiệu trưởng nhà trường, nhờ các tủ sách mà năm nay số học sinh đậu chuyển cấp tăng 20% so với năm ngoái. Số học sinh giỏi các cấp tăng lên. Thầy Thụ cho biết, sau 9 tháng vận hành mô hình, đã có 55.000 lượt sách được mượn. Mỗi phụ huynh chỉ đóng 50.000 đồng/người để khởi động tủ sách, các năm kế tiếp sẽ chỉ đóng góp khoảng 10.000. Mỗi lớp, có từ hai đến bốn em làm “thủ thư” thay nhau quản tủ sách. Dự kiến, nếu mô hình này được nhân rộng thì sẽ có hàng chục triệu đầu sách do dân tự mua và học sinh tự phục vụ.
Với mô hình “Tủ sách dòng họ”, sau 4 năm thử nghiệm và nhân rộng, có 93 tủ sách được xây dựng tại 19 tỉnh thành khác nhau. Các tủ sách dòng họ thường xuyên có từ 30-200 bạn đọc/tủ. Theo cô Ngô Thị Vân, thủ thư tủ sách họ Lê  thôn Vĩnh, Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên, sau 1 năm thành lập đã có 8.000 lượt sách được mượn và lượng sách bổ sung bởi dòng họ gấp 5 lần ban đầu (lên đến 2.000 đầu sách báo). Con 93 tủ sách dòng họ quá ít ỏi so với 60.000 dòng/chi họ được chứng nhận là dòng họ khuyến học. Nếu như Hội Khuyến học Việt Nam coi tủ sách như một tiêu chí khi công nhận dòng họ khuyến học thì số lượng tủ sách do các dòng họ tự nhân rộng sẽ lên đến hàng nghìn và sẽ đến hàng chục nghìn trong thời gian tới. 60.000 dòng họ nếu đều sở hữu tủ sách thì ít nhất trong cộng đồng nông thôn sẽ có ít nhất 9 triệu đầu sách! Bởi thế, cần lắm sự vào cuộc của Hội trong việc xã hội hóa thư viện. Thêm vào đó, Bộ VHTT&DL rất nên đưa tủ sách vào tiêu chí công nhận dòng họ văn hóa để thu hút các dòng họ xây dựng tủ sách.
Ngoài yếu tố thể chế hóa, ngành văn hóa và khuyến học cần đưa các hoạt động khuyến đọc vào các nội dung hoạt động văn hóa và khuyến đọc từ cấp hộ gia đình, cấp dòng họ đến cấp làng xã để người dân đến với sách một cách tự nhiên và đọc sách dần trở thành sinh hoạt thường xuyên trong đời sống cộng đồng.

Văn hóa đọc là thước đo dân trí của một quốc gia. Khi phần trăm dân số có thói quen đọc để đạt đến ngưỡng quốc gia có văn hóa đọc thì dân trí nước đó ở tầm cao. Thước đo giá trị sống lẫn văn minh của quốc gia được xác lập dựa trên chỉ số nhân văn của công dân và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. 


       Tủ sách phụ huynh lớp 7 A3 trường PTCS An Dục-Quỳnh Phụ-Thái Bình