Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

THƯ MỜI THAM GIA NHÓM HÀNH ĐỘNG SÁCH HÓA NÔNG THÔN

Tôi rất mong  mọi người dành 10 phút đọc bức thư  này để cùng tôi hành động vì một nông thôn Việt Nam tiến bộ, an toàn, bền vững , nhân văn  và một Việt Nam được tôn trọng trên trường Quốc tế  bằng việc sẽ tham gia đóng góp những cuốn sách thiết thực và nhân văn đến những nơi người dân đang khao khát được đọc chúng http://www.youtube.com/watch?v=u-YPIr-RRHE
 
 1. VỀ TÔI ( Tôi là ai?): Tôi là Nguyễn Quang Thạch, sinh năm 1975 tại xã Sơn Lễ - Hương Sơn - Hà Tĩnh, có số CMND là 1830021810 do CA Hà Tĩnh cấp ngày 10/6/2008. Hiện là giám đốc Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng, có địa chỉ đăng ký tại số 7, ngách 445/10, ngõ 445, Lạc Long Quân, Hà Nội. Tôi là người sáng lập ra mô hình Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, và đồng sáng lập mô hình tủ sách giáo xứ/giáo họ.
      
   Xin mời mọi người đọc các bài báo và phóng sự về Tôi và Các mô hình tủ sách do tôi sáng lập tại link này http://sachlangque.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=69 hoặc  http://tusachdongho.blogspot.com/2012/02/cac-bai-bao-viet-ve-tu-sach-dong-ho-phu.html

     Xin mời mời người xem các bài báo DO TÔI VIẾT để hiểu thêm về hành động và lý tưởng của tôi http://sachlangque.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=70 hoặc http://tusachdongho.blogspot.com/2012/02/cac-bai-bao-do-nguyen-quang-thach-viet.html
   
2.      TẠI SAO TÔI ( Kiên trì )ĐEO ĐUỔI VIỆC ĐƯA SÁCH VỀ NÔNG THÔN?: 
     CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ ĐỂ XÃ HỘI CỦA CHÚNG TA TỐT ĐẸP HƠN?. Từ những cảm nhận về những gì xảy ra quanh mình, tôi suy nghĩ rằng chỉ có tri thức mới giúp cho đất nước mình nói chung và người dân nông thôn nói riêng có đời sống vật chất lẫn tinh thần tốt hơn. Tôi không muốn tiếp tục thấy:  những đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật về thể chất do mẹ chúng thiếu kiến thức, những đứa trẻ khuyết tật về mặt tâm hồn do chúng không được tiếp xúc với tri thức thực sự, những người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc do thiếu hiểu biết; những ông chồng chỉ biết ăn nhậu và đánh vợ; và sự vô cảm của công dân trong xã hội…. Bởi thế, tôi  khao khát được mang những tri thức thực sự đến với những người đang cần có nó, tôi muốn  tất cả người dân nông thôn CÓ SÁCH ĐỌC.

3.     TÔI ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ HIỆN THỰC HÓA VIỆC ĐƯA SÁCH VỀ NÔNG THÔN?: Bằng tiền túi lương thiện của mình và trong 10 năm (1997-2007), tôi đã tự nghiên cứu, thiết kế  ra các mô hình tủ sách cho nông thôn. Tháng 3/2007, cũng bằng 5 triệu đồng tiền túi của mình, tôi đã khởi động Mô hình tủ sách dòng họ.  Từ năm 2007 đến nay, với nỗ lực vận động các cá nhân, tổ chức, tôi đã góp phần xây dựng hơn 160 tủ sách ở 21 tỉnh trên cả nước, xem chi tiết cá tủ sách tại link này http://sachlangque.net/

Trên cơ sở tự nguyện và khát vọng cá nhân vì một nông thôn Việt Nam tiến bộ, bền vững và nhân văn, tôi đã cống hiến cho tiến trình sách hóa nông thôn là 14 năm và số tiền xấp xỉ 5.000 USD.

4.      TẠI SAO TÔI VIẾT THƯ NÀY ĐẾN MỌI NGƯỜI?

Do số lượng dòng họ và các trường học xin sách để xây dựng các tủ sách do tôi đã khởi xướng ngày càng tăng lên, tôi  thiết tha kêu gọi mọi người chung tay với tôi để giúp đỡ hàng chục triệu người dân nông thôn, đặc biệt là hàng triệu học sinh, có sách đọc. Tôi quyết đinh tiếp tục dành toàn thời gian cho việc đưa sách về nông thôn với mục tiêu mỗi tháng xây dựng 2 tủ sách dòng họ và 12 tủ sách phụ huynh để giúp ít nhất 3.000 người dân có sách đọc/tháng. Vì mục đích này, tôi đành bỏ việc với mức lương 900 USD/tháng sau 2 tháng làm việc.
TÔI MONG RẰNG: Khi đọc xong bức thư này mọi người  sẽ CÙNG NẮM TAY TÔI HÀNH ĐỘNG VÌ MỘT VIỆT NAM TỐT ĐẸP HƠN bằng cách  tham gia Nhóm hành động sách hóa nông thôn và sẽ chia sẻ cho nông thôn Việt Nam mỗi tháng 20.000 đồng.
Tôi kỳ vọng rằng người Việt sẽ giúp người Việt giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn trong thời gian nhanh nhất khi có 3.000 người tham gia vào nhóm này.  

5.     THAM GIA NHÓM HÀNH ĐỘNG SÁCH HÓA NÔNG THÔN VÀ ĐÓNG GÓP CHO NÔNG THÔN MỌI NGƯỜI SẼ ĐƯỢC GÌ?


i.                   Được chia sẻ trách nhiệm  với nông thôn bằng sách

ii.                  Dòng họ hoặc ngôi trường của chính mọi người sẽ được xây dựng tủ sách.

6.     THAM GIA NHÓM HÀNH ĐỘNG SÁCH HÓA NÔNG THÔN VÀ ĐÓNG GÓP CHO NÔNG THÔN NHƯ THẾ NÀO?

Đăng ký thành viên https://www.facebook.com/groups/sachhoanongthon/ hoặc gửi mail đến  sachhoanongthon@gmail.com

Khi đã thấy tin tưởng và muốn chia sẻ trách nhiệm với nông thôn Việt Nam, thành viên của nhóm gửi đóng góp 20.000/1USD/tháng đến:
Tên tài khoản: Nguyễn Quang Thạch
Số tài khoản: 0011004046020
Tên ngân hàng: Vietcombank, Chi nhánh:  Sở giao dịch ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Hoặc
Tên tài khoản: Nguyễn Quang Thạch
Số tài khoản: 111.2511.9899.019
Tên ngân hàng: TECHCOMBANK, chi nhánh Đông Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hoặc
Tên tài khoản: Nguyễn Quang Thạch
Số tài khoản: 0000012510000446250
Tên ngân hàng: BIDV, chi nhánh Hà Nội.
Hoặc
Tên tài khoản: Nguyễn Quang Thạch
Số tài khoản: 0101000509045
Tên ngân hàng: Vietcombank, chi nhánh Vinh
Hoặc
TÀI KHOẢN NHẬN ỦNG HỘ  BĂNG USD TỪ NƯỚC NGOÀI:
Beneficiary account number:  0011374046021
Beneficiary name: Nguyen Quang Thach
Bank name: Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam (Vietcombank).
Swift code: BFTV VNVX.
 Hoặc
Tên tài khoản: Nguyễn Thụy Anh
Số tài khoản: 0451000221335
Tên ngân hàng: Vietcombank, Hà Nội
Nguyễn Thụy Anh là tiến sỹ giáo dục và thành viên hỗ trợ việc chọn lựa các loại sách phù hợp cho từng nhóm độc giả ở nông thôn.

Số tiền từ khoản cá nhân sẽ được chuyển sang tài khoản của Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng. Các chi tiêu gồm việc trả lương cho nhân viên, hoạt động văn phòng, mua sách và vận chuyển sách đến các dòng họ và trường học tuân thủ tuyệt đối  pháp luật hiện hành. Trung thực, minh bạch, giải trình, trách nhiệm và tận tâm là những chuẩn mực bất biến trong mọi hành động của tôiSách hóa nông thôn vì một nông thôn Việt Nam  an toàn, tiến bộ, bền vững và nhân văn là giá trị cốt lõi của Nhóm hành động sách hóa nông thôn.

7.     CÁC TỦ SÁCH ĐƯỢC XÂY DỰNG NHƯ THƯ THẾ NÀO?

Tủ sách dòng họ: Dựa trên cơ sở các dòng họ đăng ký xin sách cũng như chấp nhận đóng tủ đựng sách và cắt cử người quản lý, Chương trình xây dựng tủ sách nông thôn sẽ tặng cho mỗi dòng họ từ 150-180 đầu sách và được tập huấn kỹ năng quản lý tủ sách.

Tủ sách phụ huynh: Dựa trên cơ sở phụ huynh đã góp tiền đóng tủ và mua sách, Chương trình xây dựng tủ sách nông thôn sẽ tặng cho mỗi lớp học từ 50-70 đầu sách và học sinh được tập huấn kỹ năng quản lý tủ sách.

Dựa trên sự đóng góp của mọi người, kế hoạch xây dựng các tủ sách sẽ được đưa ra vào ngày 20 hàng tháng.
Các hoạt động được thể hiện tại đây http://sachlangque.net/

NGOÀI NHỮNG TỦ SÁCH TÔI ĐÃ XÂY DỰNG, VIỆC TÔI LÀM ĐÃ TÁC ĐỘNG:

(i) Hàng trăm người đã liên lạc nhờ tôi tư vấn cách xây dựng các tủ sách dòng họ.
(ii) 2 mô hình thư viện đã ra đời sau khi nhờ tôi tư vấn cách làm đó là tủ sách ấp tôi và tủ sách Hoa Nắng.
(iii) Có một doanh nhân đã mua về quê 39.000.000 tiền sách cho trường học và thôn xóm của mình sau khi tham vấn tôi. 
(iv) Một doanhh nhân ở Quảng Bình đang thực hiện dự án 1 vạn cuốn sách về huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình.

Nguyễn Quang Thạch
 


Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

THƯ GỬI LUẬT SƯ LÊ QUỐC QUÂN

Luật sư  Lê Quốc Quân thân mến
Như vậy, mong muốn đóng góp xây dựng nền tảng cho hệ thống Thư viện Nhà Thờ Công  Giáo của chúng ta đã khởi đầu tốt đẹp. Viên gạch đầu tiên là Tủ sách Giáo xứ Trung Đồng, Nam Trung, Tiền Hải, Thái Bình.
Vai trò và trách nhiệm của chúng ta từ khởi đầu đến khi hoàn thành sứ mệnh sẽ mất  khá nhiều thời gian. Nhưng tôi tin rằng ngọn lửa Văn hóa Đọc sẽ bừng sáng từ các giáo xứ/giáo họ, bởi chúng ta đồng nhận thức rằng, tổng hòa tri thức nhân loại sẽ được hình thành trong  trái tim và khối óc của thế hệ trẻ từ những cuốn sách đầu tiên, dạy cho các em bắt đầu từ những việc tử tế.
Chúng ta không thể là Abraham Lincoln, Mohandas Karamchand Gandhi, Nguyễn Trường Tộ, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Thomas Edison hay Bill Gates… nhưng bằng những cuốn sách, chúng ta có thể gieo vào tâm hồn trong sáng của hàng triệu thanh thiếu niên những tư tưởng và hành động cao đẹp của những vĩ nhân ấy. Chúng ta hy vọng  thế hệ trẻ có tư duy hệ thống khoa học, nhân cách sống, bản lĩnh hành động và đức kiên nhẫn để thành công. Văn hóa đọc khai mở cho các em lòng đam mê, quyết tâm vượt khó của những bậc tiền nhân như Thomas Edison, người đã hiến dâng cho nhân loại hơn 1.000 sáng chế; biết kính trọng và tri ân sự hy sinh của Chúa Jesu khi chịu hành hình trên thập tự giá để cứu rỗi cho chúng sinh; cũng như vậy các em tiếp cận với tác phẩm Truyện Kiều  của Đại thi hào Nguyễn Du,  với nhân cách và tài hoa, Ông đã chuyển tải được thiên đạo và nhân đạo thông qua hàng loạt các nhân vật với những số phận khác nhau, điển hình là Thúy Kiều, một số phận chồng chất sầu bi dưới chế độ phong kiến bế tắc thời Trung đại Việt Nam.
Tôi tin rằng khi tâm hồn và trí óc các em phong phú lên nhờ sự lũy tích tri thức từ những cuốn sách với giá trị nhân văn đích thực thì các em dễ dàng nhận diện bản chất con người, sự vật, hiện tượng trong thế giới bao la như thiện - ác, xấu - đẹp, phải – trái, trắng - đen v.v. Lịch sử còn ghi lại những tấm gương sáng về nhân đạo  như Đức Phật, Đức Chúa Jesu, Đức Thánh Gandhi … đã hiến dâng cuộc đời  và sự nghiệp cho nhân loại được hòa bình, tự do và hạnh phúc. Mặt khác, lịch sử cũng cảnh báo sự tàn ác hủy diệt loài người của những bạo chúa  như Salomon, Ceasar, Tần Thủy Hoàng, sau này là Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông đến Pôn Pốt … những kẻ đã nhân danh nhân dân để tạo dựng ngai vàng trên núi xương sông máu của nhân dân, rồi chính chúng đã giết đi hàng trăm triệu người dân lương thiện và dũng cảm chỉ vì để duy trì những chính thể thối nát và tàn bạo độc nhất trên thế giới. Một lẽ hiển nhiên rằng khi tính thiện được hình thành trong tâm hồn con trẻ thì chính cuộc đời các em sẽ đi gieo mầm thiện không những cho chính thế hệ các em mà còn nhiều thế hệ kế tiếp.
Luật sư  Lê Quốc Quân thân mến
Tôi khẳng định rằng mục tiêu giúp cho tất cả các giáo dân nông thôn có cơ hội tiếp cận sách của chúng ta sẽ nhanh hơn nhiều so với hành trình mà tôi và những cá nhân khác đang giúp các dòng họ và trường học nông thôn có cơ hội tương tự. Bởi vì, tất cả các giáo xứ/giáo họ đều có nhà thờ rộng lớn và tôn nghiêm là không gian lý tưởng cho việc chứa sách và đọc sách. Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng với sự uyên thâm, lòng yêu thương con chiên của các Cha và uy tín của các Ngài sẽ rất dễ dàng huy động các con chiên đóng góp mỗi năm 5.000-10.000 đồng để xây dựng tủ sách và mua sách bổ sung vào các tủ sách đã được xây dựng. Rồi nữa, các giáo hữu đang sinh sống ở nước ngoài và các thành phố sẽ sẵn sàng đóng góp sách cho các giáo xứ/giáo họ nông thôn. Với những thuận lợi trên, tôi tin chắc rằng anh, các giáo hữu và tôi chỉ mất 5 năm để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Tôi tin chắc rằng chúng ta có cùng một niềm tin bất diệt là một đất nước mà trong đó nhiều  công dân sẵn sàng chia sẻ sách/tri thức cho cộng đồng của mình thì đất nước đó sẽ không phải đi ngửa tay xin cơm gạo của nhân loại. Sức mạnh của nước Mỹ là sự minh chứng đầy đủ nhất về vai trò của tủ sách/thư viện khi Ngài tổng thống vĩ đại của họ Jeffferson  đã “nỗ lực phát triển hệ thống thư viện rộng khắp. Ông đã tặng toàn bộ thư viện với 6000 cuốn sách hay nhất, hữu ích nhất của mình cho thư viện Quốc hội Mỹ và lan tỏa ý tưởng phát triển một hệ thống thư viện khắp cả nước” .
Ngay từ khi lập quốc, Ngài thủ tướng tài ba Lý Quang Diệu đã xây dựng hệ thống thư viện đến tận tay từng người đọc, bởi thế chỉ sau 30 năm, từ một quốc đảo nhỏ bé đã trở thành quốc gia hùng mạnh được cả thế giới tôn trọng và ngưỡng mộ.
Tôi cũng muốn chia sẻ quan điểm với những công dân của nước Việt thân yêu rằng chỉ khi chúng ta có một hệ thống thư viện công cộng đến cấp thôn và hệ thống thư viện dân sự đến cấp dòng họ, xứ đạo, gia đình... được xây dựng thì chúng ta mới có thể bắc được những cây cầu vạn dặm với thế giới văn minh một cách nhanh chóng nhất.  Bởi thế, tôi mong rằng, mọi người hãy xem việc chia sẻ sách cho cộng đồng nông thôn là trách nhiệm và bổn phận công dân của chính mình. Chúng ta sẽ là tác nhân hành động của mọi sự thay đổi nếu chúng ta thực sự muốn trông thấy sự thay đổi đó được chuyển hóa trong ý thức và hành động đầy trách nhiệm và nhân văn trong mọi công dân của chúng ta.
Luật sư  Lê Quốc Quân thân mến
Cuối cùng tôi muốn nói rằng chúng ta có đức tin khác nhau, quan điểm có thể không tương đồng, nhưng chúng ta có một MẪU SỐ CHUNG đó là niềm tin về một Việt Nam sẽ thay đổi và được tôn trọng khi chúng ta và tất cả mọi người nắm tay chia sẻ tri thức của nhân loại cho chính chúng ta, cho chính những người Việt máu đỏ da vàng ở khắp mọi nơi và mọi lúc. Bởi vậy, chúng ta không thể chùn bước trước bất cứ khó khăn nào, cho dù lấy cái chết để đổi lấy cơ hội có SÁCH ĐỌC cho một phần trong 60 triệu dân nông thôn nói chung và gần 7  triệu giáo dân nói riêng thì chúng ta cũng cần xem đó là sự hy sinh xứng đáng nhất trong cuộc trường chinh khai trí kiến quốc. Chúng ta phải luôn nhắc nhở bản thân rằng CHÚNG TA KHÔNG LÀM THÌ AI LÀM!
Xin chào anh, lời  thân ái  đến một tín đồ đang làm sáng danh Chúa!
Nguyễn Quang Thạch
Những công dân có trách nhiệm xin hãy chia sẻ “mỗi tháng một cuốn sách” với nông thôn Việt Nam bằng cách gia nhập nhóm Nhóm Hành động Sách hóa Nông thôn Việt Nam/Bookization Group For Rural Area như dưới đây.
https://www.facebook.com/groups/sachhoanongthon/
Hoặc gửi đăng ký đến:  sachhoanongthon@gmail.com
Tham gia nhóm để các dòng họ, ngôi trường(lớp học) và xứ đạo được xây dựng các tủ sách!



Đi xuyên Việt kêu gọi đưa sách về nông thôn và giới thiệu Tủ sách dòng họ trong dịp tết  Canhh Dần 2010. 

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

MÔ HÌNH TỦ SÁCH NHÀ THỜ THIÊN CHÚA ĐƯỢC KHỞI ĐỘNG

Sau nhiều năm cố gắng tiếp cận một số xứ đạo để thực hiện mô hình tủ sách nhà thờ Thiên chúa nhưng không thành công. Thế nhưng, nhờ sự đê tiện của bọn cộng sản Trung Hoa, qua biểu tình tôi đã gặp được luật sư Lê Quốc Quân. Anh Quân cũng ấp ủ ý tưởng này nhiều năm nay, 2 bên phối hợp hành động đã cho ra đời Tủ sách giáo xứ đầu tiên, tủ sách giáo xứ Trung Đồng, xã Nam Trung huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình ngày 9/10/2011 với 300 đầu sách. Tủ sách sẽ giúp 800 em học sinh/4.000 giáo dân có sách đọc.  
Tiến trình SÁCH HÓA CÁC XỨ ĐẠO đã bắt đầu!

 Rất mong những người Công giáo xa tổ quốc và đang sinh sống ở các thành phố sẽ hỗ trợ luật sư Lê Quốc Quân để anh ấy cùng với các giáo xứ và giáo họ nông thôn xây dựng các tủ sách ở khu vực này. Theo kế hoạch, mỗi tháng anh Quân đóng góp 100 USD để làm tối thiểu một tủ sách cho một giáo xứ/giáo họ.
 
Tôi là người ngoại đạo nhưng sẽ luôn luôn tư vấn kỹ thuật miễn phí và nối kết các cơ quan quản lý thư viện ở các tỉnh để họ giúp đỡ tập huấn kỹ năng quan lý tủ sách cũng như luân chuyển sách đến các xứ đạo.

 Mục tiêu khởi động mô hình Tủ sách nhà thờ Thiên chúa của tôi coi như đã thành công và rất mong cộng đồng Công giáo ở nước ngoài và ở các thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ sách cho các giáo xứ và giáo họ ở nông thôn trong thời gian tới.

Tôi tin chắc rằng, khi có khoảng 100 giáo xứ và giáo họ Công giáo xây dựng thư viện thì các nhóm tôn giáo khác như Phật Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài sẽ xây dựng thư viện  để các tín đồ có cơ hội tiếp cận tri thức.  Các dòng họ và các tôn giáo sẽ là nền tảng tối ưu góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu sách ở nông thôn và kiến tạo thói quen đọc sách trong cộng đồng thúc đẩy văn hóa đọc trên phạm vi quốc gia. 
Chính sách xã hội hóa thư viện của nhà nước sẽ được hiện thực hóa bằng sự nỗ lực bằng hành động của những người trong hệ thống nhà nước và trách nhiệm công dân của tất cả chúng ta.

Hãy hành động vì một cộng đồng Công giáo tiến bộ, bền vững và nhân văn!
Hãy hành động vì một nông thôn Việt Nam tiến bộ, bền vững và nhân văn!
Hãy nhân thiện tâm của bạn bằng việc góp phần xây dựng các tủ sách nông thôn!

Các giáo hữu muốn góp sách cho các xứ đạo vui lòng liên lạc luật sư Lê Quốc Quân: quanquocle@gmail.com



Nguyễn Quang Thạch

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Trên đất Việt, người Việt bị công nhân Trung Quốc đánh đập tàn nhẫn

Bài viết này được thực hiện vì số phận của người Việt ở xung quanh các nhà máy và công trình có sự hiện diện của công nhân Trung Quốc nói riêng và toàn dân tộc Việt Nam nói chung.

Mỗi lần xem Video clip do báo điện tử Vietnamnet đăng tải ( http://www.youtube.com/watch?v=fiOkCqUEkPM ) phản ánh việc hàng công nhân Trung Quốc đã xông vào nhà dân Việt Nam đập phá ở khu công nghiệp Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia-Thanh Hóa vào dêm 28/12/2008, tôi uất ức vô cùng. Cảm giác phẫn uất tột độ sau chuyến đi công tác tại huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình.


Ngày 29/9/2011,  đến gặp Nguyễn Tiến Dũng đang sinh sống tại thị trấn An Bài, nơi có khu công nghiệp Cầu Nghìn, một nạn nhân bị công nhân Trung Quốc vô cớ đánh gãy chân vào đêm 25/11/2009, mới thấy rằng: Bọn công nhân Trung Quốc  đã rất  xem thường người dân và pháp luật Việt Nam nên chúng đã ngang nhiên đánh đập người Việt chúng ta.

Tôi xin trích dẫn một đoạn trong “Đơn tố cáo  và đề nghị” do vợ của nạn nhân Nguyễn Tiến Dũng gửi UBND huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với sự xác nhận của Công an thị trấn An Bài vào ngày 28-11-2009 với các nội dung “…. Vào khoảng 77 giờ tối ngày 25/11/2009 có vụ tại nạn giao thông ở quốc lộ 10 gần nhà tôi, chồng tôi là Nguyễn Tiến Dũng ra xem thấy người nằm bất tỉnh, liền gọi điện cho Công An giao thông biết, sau đó chở người bị nạn đến bệnh viện đa khoa Phụ Dực cứu chữa. Khi ra về, đến cổng bệnh viện, thì thấy chuỗi người dài lố nhố từ cổng bệnh viện đến phố Tư Môi độ hơn 100 người Trung Quốc, người nào cũng có vũ khí bằng típ thép dài độ 1,2 m đến 1,5 , có cả dùi cui điện đang xăn (săn) đuổi người Việt Nam, chồng tôi đứng lại xem bất ngờ người Trung Quốc dí dùi cui điện vào người chồng tôi (chồng tôi) ngã lăn ra rồi dùng típ thép đánh xối xả vào người, vào chân phải, bị gẫy và dập nát nhiều mảnh. Bị ngất  xỉu tại cổng bệnh viện. Lúc đó không may cho chồng tôi những người phục vụ bệnh viện, và những nạn nhân trong bệnh viện, kể cả bệnh nhân nếu chạy được cũng phải chạy xơ tán, ẩn nấp sợ người Trung Quốc vừa đổ mấy xe ô tô người đổ vào bệnh viện đánh họ, đến khi công an thị trấn và cờ đỏ đến vào khênh chồng tôi đi cấp cứu. Người cờ đỏ đầu tiên cũng bị một đòn, dân phố Tư Môi nhiều nhà khiếp quá, phải tắt điện đóng cửa lại …”. Xin mời xem tiếp tại văn bản trong ảnh.

Mặc dù đánh anh Dũng gãy chân nhưng phải qua nhiều đơn thư khiếu nại bọn Trung Quốc mới đền bù cho anh Dũng 20 triệu đồng. Anh Dũng là cựu quân nhân (đi lính từ 1990-1994). Sau lần bị đánh và phải điều trị 1 năm, anh Dũng đã không còn khả năng tìm kiếm sinh kế, thần kinh bị ảnh hưởng nên không ai thuê làm việc. Trước khi bị đánh, anh là trụ cột của gia đình với sinh kế từ lái xe công nông và làm thợ cơ khí.

Theo anh Dũng và một số người dân thì việc người dân việc công nhân Trung Quốc đánh dân bản địa đã xảy ra một số lần khác. Hiện đã có 2 công nhân Việt Nam tại nạn chết trong nhà máy Shengli. Công nhân Trung Quốc đã làm xáo trộn và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống vốn rất yên bình của nhân dân nơi đây. Điển hình là người dân chịu ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn từ nhà máy. Một người dân nói “sinh hoạt của công nhân Trung Quốc đang làm hư bọn trẻ ở đây”. Một dân khác nói rằng “dân chúng tôi rất phẫn uất bọn công nhân Trung Quốc nhưng không làm gì được, biểu tình chống chúng thì không có ai dẫn đầu mà lại sợ bị đi tù”.

Liên quan đến nhà máy thép này, báo Pháp luật và Xã hội số 131 (517) Thứ Sáu ngày 5/11/2010 đã có bài “Một ngôi mộ tổ bị san lấp”. Xem bài như ảnh chụp kèm theo.

Trên xe khách từ cầu Nghìn về Hà Nội, tôi đã kể chuyện anh Dũng bị đánh thì có một hành khách nói rằng “ở Thủy Nguyên-Hải Phòng chúng tôi, bọn công nhân Trung Quốc đã đánh dân nhiều lần”.

Qua video clip dân bị đánh ở Thanh Hóa, qua câu chuyện ở Thái Bình, tôi thấy rằng việc công nhân Trung Quốc lộng hành đã không là chuyện của người dân bản địa mà là chuyện của người Việt chúng ta bởi vậy cần nhiều tiếng nói hơn nữa. Các nhà báo của tổ quốc và nhân dân phải hành động thực sự bằng cách đi thực địa để thu thập các thông tin ở các tỉnh có các nhà máy Trung Quốc đang hoạt động.  Khi có thông tin từ nhiều tỉnh khác nhau, chúng ta phải kiến nghị với Chính phủ  không tiếp tục cấp phép cho các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng các nhà máy và đưa người sang Việt Nam trực tiếp sản xuất.
Đối với các nhà máy đã thuê đất 50 năm như Shengli ở Thái Bình (theo thông tin từ người dân bản địa) cần phải cho công nhân Trung Quốc rút về nước và thay vào đó là công nhân Việt Nam.

                                       Đơn tố cáo  và đề nghị (trang 1)

                              Đơn tố cáo  và đề nghị (trang 2 & 3)
                                3 ảnh chứng việc anh Dũng bị đánh năm 2009
                                                      Ngôi mộ tổ bị san lấp

Nguyễn Quang Thạch

Tham khảo:
  1. Đơn tố cáo và kiến nghị ngày 28/11/2009 do gia đình cấp
  2. Ảnh chụp lại các bức ảnh anh Dũng bị đánh vào 25/11/2009.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

LÀM GÌ ĐỂ ĐƯA SÁCH VỀ QUÊ?

Nguyễn Quang Thạch
Bài đã đăng trong Chuyên đề văn hóa  đọc của tờ THỜI NAY 
Thực trạng lâu thay đổi và chậm được điều chỉnh là khu vực nông thôn, cơ hội tiếp cận sách báo khó khăn hơn nhiều so với đô thị, thị xã, thị trấn. Làm gì để có các nhóm giải pháp “sách hóa” nông thôn được sách hóa trên cơ sở khả thi và ít kinh phí nhất?

Èo uột thư viện cơ sở
Thực tế tại nhiều địa phương, hệ thống thư viện cấp xã đã gần như không tồn tại, thay vào đó là gần 7.969 điểm bưu điện văn hóa xã. Nhưng hệ thống này đã ngủ khá lâu và đang tự đánh mất vai trò của mình. Thay vào việc “khai tử” nó, ngành thư viện nên xin tiếp nhận hạ tầng cơ sở này để chuyên nghiệp hóa thư viện tại cấp xã. Theo ước tính, nếu đầu tư mỗi điểm 1.000 đầu sách thì mỗi xã mất khoảng 20 triệu đồng. Tổng số đầu tư cho 7.969 điểm sẽ là 159,380 tỷ đồng. Hằng năm, nếu trả lương cho 7.969 thủ thư với mỗi tháng 1 triệu đồng thì tổng kinh phí sẽ là  95,628 tỷ đồng/năm. Để phát triển phong trào đọc sách, phục vụ tốt hơn nhu cầu nhân dân, nhất là so với chi phí cho nhiều lĩnh vực khác, đây chỉ là con số rất nhỏ.
Thư viện trường học cấp xã lâu nay cũng ở trong cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Qua khảo sát mà chúng tôi thực hiện tại các xã An Dục, Đồng Tiến và An Vũ thuộc huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình, các em học sinh rất ít có cơ hội tiếp cận sách đầy đủ và đa dạng như học sinh thành phố. Thư viện tại nhiều trường, có cũng như không. Chính sách xã hội hóa được coi như sự mở đường trong ngành thư viện. Tuy nhiên, sau nhiều năm, cả Bộ VHTT&DL và Hội Khuyến học vẫn  chưa đưa ra các quy định cứng để đánh thức hàng trăm tỷ đồng đang nằm trong dân nhằm tham gia tiến trình xã hội hóa thư viện. Hàng chục nghìn ngôi làng đã được công nhận làng văn hóa/thôn văn hóa. Thế nhưng, tủ sách/thư viện - nhân tố gốc rễ lại hầu như không có trong các ngôi làng vì trong quá trình thẩm định làng văn hóa, tủ sách/thư viện chưa phải là tiêu chí ưu tiên hàng đầu!? Chỉ cần chi khoảng 4 triệu đồng đã có một tủ sách cho làng. Trong khi đó, người dân đã đóng góp hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để xây những cổng làng hoành tráng và gắn chữ làng văn hóa.

Nên đưa tủ sách vào tiêu chí
Sau một năm mô hình Tủ sách phụ huynh được thử nghiệm, đặt tại các lớp học Trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ - Thái Bình, số lượng sách học trò được tiếp cận tăng ít nhất 15 lần so với thư viện nhà trường chỉ có khoảng 100 đầu sách cho học sinh. Đặc biệt hơn, theo thầy Lưu Thanh Thụ - Hiệu trưởng nhà trường, nhờ các tủ sách mà năm nay số học sinh đậu chuyển cấp tăng 20% so với năm ngoái. Số học sinh giỏi các cấp tăng lên. Thầy Thụ cho biết, sau 9 tháng vận hành mô hình, đã có 55.000 lượt sách được mượn. Mỗi phụ huynh chỉ đóng 50.000 đồng/người để khởi động tủ sách, các năm kế tiếp sẽ chỉ đóng góp khoảng 10.000. Mỗi lớp, có từ hai đến bốn em làm “thủ thư” thay nhau quản tủ sách. Dự kiến, nếu mô hình này được nhân rộng thì sẽ có hàng chục triệu đầu sách do dân tự mua và học sinh tự phục vụ.
Với mô hình “Tủ sách dòng họ”, sau 4 năm thử nghiệm và nhân rộng, có 93 tủ sách được xây dựng tại 19 tỉnh thành khác nhau. Các tủ sách dòng họ thường xuyên có từ 30-200 bạn đọc/tủ. Theo cô Ngô Thị Vân, thủ thư tủ sách họ Lê  thôn Vĩnh, Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên, sau 1 năm thành lập đã có 8.000 lượt sách được mượn và lượng sách bổ sung bởi dòng họ gấp 5 lần ban đầu (lên đến 2.000 đầu sách báo). Con 93 tủ sách dòng họ quá ít ỏi so với 60.000 dòng/chi họ được chứng nhận là dòng họ khuyến học. Nếu như Hội Khuyến học Việt Nam coi tủ sách như một tiêu chí khi công nhận dòng họ khuyến học thì số lượng tủ sách do các dòng họ tự nhân rộng sẽ lên đến hàng nghìn và sẽ đến hàng chục nghìn trong thời gian tới. 60.000 dòng họ nếu đều sở hữu tủ sách thì ít nhất trong cộng đồng nông thôn sẽ có ít nhất 9 triệu đầu sách! Bởi thế, cần lắm sự vào cuộc của Hội trong việc xã hội hóa thư viện. Thêm vào đó, Bộ VHTT&DL rất nên đưa tủ sách vào tiêu chí công nhận dòng họ văn hóa để thu hút các dòng họ xây dựng tủ sách.
Ngoài yếu tố thể chế hóa, ngành văn hóa và khuyến học cần đưa các hoạt động khuyến đọc vào các nội dung hoạt động văn hóa và khuyến đọc từ cấp hộ gia đình, cấp dòng họ đến cấp làng xã để người dân đến với sách một cách tự nhiên và đọc sách dần trở thành sinh hoạt thường xuyên trong đời sống cộng đồng.

Văn hóa đọc là thước đo dân trí của một quốc gia. Khi phần trăm dân số có thói quen đọc để đạt đến ngưỡng quốc gia có văn hóa đọc thì dân trí nước đó ở tầm cao. Thước đo giá trị sống lẫn văn minh của quốc gia được xác lập dựa trên chỉ số nhân văn của công dân và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. 


       Tủ sách phụ huynh lớp 7 A3 trường PTCS An Dục-Quỳnh Phụ-Thái Bình

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

ĐỪNG VÔ CẢM VÀ SỢ HÃI NHƯ THẾ!



Hai cha con đi biểu tình chống Trung Quốc. 19.6.2011
Gửi người thanh niên tại điểm chờ xe buýt trên đường Trần Phú lúc 11:15 ngày 19/6/2011 

Ngày 19/6, sau khi kết thúc biểu tình, hai bố con tôi đến đón xe buýt số 22  trên đường Trần Phú để về rạp chiếu phim Quốc gia cho con trai tôi xem phim Kungfu Panda phần 2, phần thưởng vì cu cậu đã đi biểu tình cùng bố. Trong lúc đợi xe, có những người trong đoàn biểu tình vừa giải tán đi qua, có 1 thanh niên trạc tuổi 20 mặc áo phông hiệu Pierre Cardin cũng đang đợi xe nói với bạn đi cùng “ôi, biểu tình biểu tót rách việc”, “cứ chường mặt ra đó, bọn Trung Quốc nó tìm đến nhà nó diệt cho”. Người bạn đi cùng phản ứng lại “sao bạn lại nói thế?”. Người kia lại tiếp “Ôi, nhà tớ người thì chống Mỹ, người thì chống Tàu, nhưng bây giờ có thấy gì tốt đẹp hơn đâu?” Người bạn  lắc đầu và cả hai chạy lên xe buýt.

Rất tiếc tôi đã không hỏi được tên của hai em và địa chỉ cụ thể đưa vào bài viết nhưng anh vẫn mong rằng các em sẽ đọc được bài viết này ở đâu đó trên mạng internet.

Tôi xin bắt đầu câu nói thứ nhất của em “ôi, biểu tình biểu tót rách việc”. 

Em ơi sao em vô cảm đến thế? Em phải tìm hiểu tại sao người dân Việt Nam vốn không ưa biểu tình mà lại tập trung trước Đại Sứ quán TQ để phản đối bọn chúng  chứ? Em biết không: Ngày 8 tháng 1 năm 2005 bọn cảnh sát biển TQ bao vây và nổ súng tấn công 2 tàu đánh cá của ngư dân Thanh Hóa đang đánh cá trong khu vực Vịnh Bắc Bộ làm chết 9 người, 7 người bị thương và bắt giữ 8 người. Bắn giết xong, chúng còn mang cả tàu lẫn xác chết ngư dân về Hải Khẩu của chúng. Nhiều năm nay, chúng nó cướp bóc và quấy nhiễu tàu cá  của chúng ta ngay trên lãnh hải của mình. Gần đây, chúng nó cắt cáp tàu Bình Minh và phá cáp tàu Viking ngày trong thềm lục địa của chúng ta. 

Tội ác mà bọn Trung Quốc gây ra cho đất nước chúng ta từ năm 1979 đến nay không hề chấm dứt, chúng nó đã giết 64 chiến sỹ  hải quân của chúng ta ở Trường Sa vào năm 1988… 

Thử hỏi rằng nếu một trong những người nhà của em là nạn nhân của bọn Trung Quốc tàn ác kia thì em có đau xót không? Em ơi hãy đọc và ngẫm nghĩ của nói này hàng ngày “Chỉ có thú vật mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại, mà chỉ lo chăm sóc cho bộ lông của mình”(Các Mác) để không thốt lên những câu nói vô cảm như em đã phạm phải em nhé.

Câu đầu tiên thì anh giận em nhưng câu này thì anh thông cảm với em một phần và cũng ngỡ ngàng vì suy nghĩ của em. 

“cứ chường mặt ra đó, bọn Trung Quốc nó tìm đến nhà nó diệt cho”. 

Anh thông cảm với nỗi sợ của em vì phàm là con người thì ai cũng tham sống sợ chết. Ai cũng muốn mình được an toàn và sung sướng do đó em sợ bọn Trung Quốc nó hại người biểu tình chính là em sợ nó hại em. Sự sợ hãi dường như đã ăn sâu vào tâm thức của em nên giữa thanh thiên bạch nhật trong thành phố hòa bình mà em vẫn lộ ra sự sợ hãi đó. Có lẽ, hàng hiệu em mặc, các thiết bị điện tử em đang dùng và thân thể nhễ mỡ của em đã làm em ích kỷ và luôn sợ hãi? Tuy nhiên, anh vẫn thông cảm lẫn thương cảm em hơn là giận em.

Nỗi lo của em cũng có phần đúng vì anh biết rằng trên các tuyến xe buýt của chúng ta, bọn Trung Quốc nói tiếng Việt như người Hà Nội không ít. Hơn nữa, Trung Quốc đã tồn tại những chính thể giết người như cắt cỏ, gần đây thôi, vị tiên trong mắt tầng lớp công nông Trung Quốc, tên đồ tể Mao Trạch Đông đã làm cho hàng chục triệu người dân chết thê thảm trong đói kém của Đại nhảy vọt và tuyệt diệt hàng chục triệu trí thức lẫn công chức trong Cách mạng văn hóa. Một chính thể đã để dân phải làm thịt con mà ăn thì hậu duệ kế thừa chính thể đó không thể không tàn ác.

Cũng có thể rằng, những người biểu tình Trung Quốc có thể bị chính bọn chúng làm hại bằng cách: (i) ném heroin, sách báo đồi trụy hoặc các tài liệu chống nhà nước vào nhà để người Việt chúng ta hại nhau; (ii) Chúng có thể gây lộn đánh nhau với người biểu tình để người Việt vào nhà đá vì tội gây rối công cộng; (iii) Chúng cũng có thể bắt cóc người biểu tình rồi chích cho một liều kích dục cực mạnh vào người và cho ở cùng với một cô gái vẫy nào đó, để hình ảnh của người yêu nước trở thành kẻ tội đồ, xấu xa trên mặt báo và trong xã hội vv&vv. 

Em ạ, có lẽ nhiều người biểu tình đã lường trước những rủi ro mà họ có thể gặp nhưng họ đã vượt qua sự sợ hãi để thể hiện bổn phận công dân tối thiểu của mình khi đất nước đứng trước họa xâm lăng của Đại Hán tàn độc. Dân tộc mình còn có phúc đấy em ạ.

Đến câu nói thứ ba, anh lại thấy em không hiểu gì về giá trị của hòa bình và vô ơn trước sự hy sinh của hàng triệu đã ngã xuống để có nước Việt hôm nay “ôi, nhà tớ người thì chống Mỹ, người thì chống Tàu, nhưng bây giờ có thấy gì tốt đẹp hơn đâu?”. Em ơi, người nhà của em chống Mỹ, chống Tàu là chuyện đương nhiên vì cả dân tộc này đều làm điều đó và ít nhất em và 86 triệu người khác đang được hưởng hòa bình. Hàng chục triệu người được đến trường học hành. Chúng ta không đói khổ như những năm chiến tranh và bao cấp. Nước ta chưa giàu có bằng Nhật, bằng Hàn Quốc, bằng Tây Âu, bằng Mỹ, chưa tuân thủ luật giao thông như nước bạn Lào, nhưng nước ta vẫn hơn Bắc Hàn đang đói khát, Miến Điện và một số nước Châu Phi. Em hãy xem đó làm niềm tự hào nho nhỏ chứ.

Những người trong nhà em tham gia chiến đấu để mang lại mọi lợi ích cho bố mẹ em và cho em đấy. Hãy biết ơn họ và đừng phỉ nhổ vào những họ đã làm bằng sự vô cảm và sợ hãi như thế. Có lẽ bố mẹ em là gian thương hoặc quan chức tham nhũng nên tạo ra em một người thanh niên mà vô nhân cách đến vậy.

Em nên tự biết rằng những thứ em đang sở hữu trên người đã đủ cho 10 người dân Thanh Hóa đang thiếu đói có gạo ăn một năm đấy. Em đừng đòi hỏi quá nhiều khi chưa làm được gì cho xã hội này tốt đẹp lên.

Cuối cùng, anh muốn nói với em rằng “ĐỪNG TIẾP TỤC VÔ CẢM VÀ SỢ HÃI!”. Bởi vì, khi đã vượt qua nỗi sợ hãi thì bọn Tàu có làm hại em bằng móc mắt, bằng chặt chân tay, bằng heroin hay thuốc kích dục, thì em vẫn xem nó là sự hy sinh cần thiết cho đất nước được vẹn toàn lãnh thổ mà cha ông chúng ta đã khai phá và gìn giữ.

Khi em xem sự hy sinh cho tổ quốc là bổn phận đương nhiên của đời người thì tự nhiên trong lòng em trào dâng sự cảm phục và yêu mến những người đi biểu tình; em sẽ biết xót xa trước những điều xấu xa tệ hại, bất công đang diễn ra xung quanh đời sống của mình; và em sẽ biết khóc và căm giận khi nghe tin những ngư dân mình bị cướp giết ngay trên lãnh hải của chúng ta.

Kỳ vọng vào sự thay đổi ở nơi em vì bên cạnh em có một người bạn khác em! 

Nguyễn Quang Thạch

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Tính dễ tổn thương & những kẻ trục lợi


Tác giả: Nguyễn Quang Thạch
Tính dễ bị tổn thương hoặc yếu tố dễ bị tổn thương (Vulnerability) được định nghĩa ở nhiều lĩnh vực khác nhau với cách biểu đạt khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là tính yếu (weakness) của vật chất, con người, tôn giáo, xã hội, nền kinh tế hay quốc gia. Tính dễ tổn thương làm chủ thể của nó dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài tác động vào một cách có chủ đích hoặc không có chủ đích. Xét về khía cạnh con người, yếu tố dễ bị tổn thương nhiều khi bao gồm cả lòng tham lẫn sự kém hiểu biết ở từng cấp độ khác nhau mà đáng lẽ chủ thể của nó cần được nâng cao năng lực để tránh những rủi ro không đáng có. Sự biến thiên hay ma trận của tính dễ bị tổn thương và chủ thể của nó rất khó có thể định danh trong một vài trang giấy. Trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn đưa ra một số nhóm dễ bị tổn thương cũng như những kẻ trục lợi tương ứng.
Nhóm cộng đồng nghèo
Trong cuốn Sổ tay hướng dẫn tái định cư do Ngân hàng phát triển Châu Á ấn hành năm 2000, người ta phân loại nhóm dễ bị ảnh hưởng gồm những Phụ nữ đơn thân đảm trách gia đình (family headed women), trẻ em, người già và những nhóm dân tộc thiểu sổ. Những nhóm người này được cho là dể bị tổn thương trong quá trình tái định cư vì họ rất khó khăn trong quá trình di chuyển cũng như khôi phục sinh kế đến giới hạn trước lúc tái định cư.
Cộng đồng càng nghèo thì tính dễ bị tổn thương càng cao vì họ không có cơ hội tiếp cận giáo dục đầy đủ dẫn đến nhận thức thấp. Nhóm phụ nữ, trẻ em và người già có tính dễ bị tổn thương tỷ lệ thuận với tình trạng nghèo đói. Thực tế cho thấy, những xã nghèo thường có người di cư lên đô thị tìm kiếm sinh kế rất cao. Điển hình có một số xã thuộc huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa có số lượng trẻ lẫn người già đi ăn xin, đánh dày ở Hà Nội và Sài Gòn rất cao. Một số tỉnh miền núi phía Bắc có lượng phụ nữ tự di cư thậm chí nhiều khi tự buôn bán (trả tiền cho bà mối để lấy chồng Trung Quốc) sang biên kia biên giới để có cơ hội làm thuê và lập gia đình. Những kẻ trục lợi cộng đồng nghèo thường là những kẻ  tuyển dụng và chăn dắt cái bang, tuyển dụng lao động hay buôn bán người. Một số cặp vợ chồng ở Quảng Xương đã lừa bố mẹ các trẻ em nghèo ở xã Quảng Khê-Quảng Xương-Thanh Hóa rằng họ sẽ đưa các trẻ vào Sài Gòn bán vé xổ số, mỗi tháng bố mẹ ở quê nhận 300.000 đến 500.000 tiền lương do các em kiếm được. Trên thực tế, họ đã bắt các em đi ăn xin để kiếm lợi khổng lồ. Em Lê Thị S chia sẻ, mỗi ngày em phải nộp 300.000 đồng, những kẻ chăn dắt đã kiếm từ em S và những người khác mỗi tháng trên dưới 50.000.000 đồng. Trong trường hợp này, 2 nhân tố đã bị trục lợi là yếu tố dễ bị tổn thương lẫn tình thương. Ngoài ra, cộng đồng nghèo còn bị các doanh nghiệp trục lợi ngay trong cộng đồng của mình thông qua dịch vụ hàng hóa. Nhưng chai nước và que kem rẻ như bèo chỉ chứa đường hóa học, phẩm màu và nước lã là thứ cộng đồng yêu thích trong phạm vi túi tiền của họ.
Những nhóm trẻ ăn mày, nạn nhân bị bóc lột lao động và tình dục không những bị tổn thương ngày càng nặng về thể chất lẫn tinh thần mà nghiêm trọng hơn họ lại trở thành những kẻ trục lợi trên chính nhóm người như họ trước đây. Một vòng luẩn quẩn, đói nghèo, tổn thương và gây tổn thương cho cộng đồng sẽ đi hết chu trình này đến chu trình khác cho đến khi những nhóm người này bị văng ra khỏi quỹ đạo xã hội bởi nhà tù hoặc những cái chết thảm thương. Xã hội phải gánh trên vai mình những hậu quả phái sinh do các nhóm dễ bị tổn thương và kẻ trục lợi gây nên mà những người không nằm trong chu trình này cũng bị ảnh hưởng thậm chí nhiều khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhóm thanh thiếu niên
Yếu tố dễ bị tổn thương ở nhóm thanh thiếu nên gồm học sinh, sinh viên và công nhân rất khó nhận ra vì nó mập mờ giữa nhu cầu hưởng thụ vật chất, nhu cầu tình cảm, nhu cầm đức tin và dịch vụ xã hội, trạng thái tình cảm và tôn giáo. Việc tìm ra ví dụ minh họa chỉ có thể minh chứng một số đặc tính mang tính điển hình hơn là đại diện. Chẳng hạn như, tâm lý của các em gái từ độ tuổi 14-18 là rất dễ  thần tượng một ai đó, trở thành yếu tố dễ bị tổn thương vì các em chưa độ chín chắn và dễ bị lợi dụng bởi những kẻ trải đời. Không ít, các nữ sinh cấp 3 đã thích sinh viên thực tập, sự thích vô tư trong sáng đó lại bị các anh sinh viên lợi dụng và chiếm đoạt một cách dễ dàng dưới cái vỏ tình yêu.
Tâm lý thích tiếp cận sự mới lạ cũng như muốn thể hiện sự sành điệu của nhiều trẻ em nam là yếu tố tâm lý dễ bị tổn thương bởi gameonline. Kẻ trục lợi các em là các quán internet, ban đầu họ khuyến mãi cho các em chơi dăm ba lần. Khi thấy các em bắt đầu thích họ cho chơi nợ, nếu các em không có tiền họ nhận hiện vật như gà, vịt, gạo, thậm chí các đồ dùng gia đình. Điều đáng nói là những nhà cung cấp game đánh vào tâm lý trẻ và cung cấp các loại game dễ xâm nhập vào các em để gây nghiện mà khi đã nghiện thì họ gián tiếp kiếm tiền rất dễ dàng.
Không ít, sinh viên và công nhân xa quê, do thiếu thốn tình cảm. Thiếu thốn tình cảm đã trở thành yếu tố dễ bị tổn thương và chính các em đã bị những nhóm truyền đạo lợi dụng để thu nạp tín đồ. Sau khi trở thành tín đồ, các em lại trở thành các nhà truyền giáo cấp 1. Tự do tín ngưỡng hay đến với đức tin nào đó là điều bình thường nhưng người ta lại dụng yếu tố đức tin để lôi kéo gia đình và họ hàng phải tin theo mình. Không ít các tín đồ đã về nhà dỡ bỏ bàn thờ gia tiên vì nghĩ ông bà tổ tiên mình là ma quỷ.  Người bị lợi dụng lẫn kẻ trục lợi đã tạo nên những xung đột nghiêm trọng trong gia đình, dòng họ và phá vỡ yếu tố truyền thồng lẫn kết cấu cộng đồng và nhiều khi còn bị lợi dụng để chống lại chính quyền, gây rối loạn kỹ cương xã hội.
Nhóm các quốc gia thế giới thứ ba
Tương tự như người nghèo, các nước nghèo là tập hợp người nghèo ở số đông và được xếp vào các nước thuộc thế giới thư 3. Một quốc gia nghèo luôn tồn tại các yếu tố dễ bị tổn thương. Nhiều khi, do đã quen với các trạng thái xã hội như bất công, quan liêu, tham nhũng... công dân lẫn chính phủ không nhận ra yếu tố dễ bị tổn thương của mình mà chỉ khi sự tổn thương dồn tích tạo nên bùng phát tự thân hoặc các quốc gia có quan hệ thương mại bị khủng khoảng kinh tế chính trị thì quốc gia nghèo mới có thể nhận ra nó. Lúc đó, có thể dẫn đến bất ổn chính trị xã hội nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến nội chiến hay cách mạng lật đổ.
Về mặt kinh tế lẫn chính trị,  những đất nước nghèo luôn là kẻ yếu thế trên trường quốc tế và trở thành con mồi cho các quốc gia phát triển. Thông thường, các nước giàu khai thác ở nước nghèo nguồn nhân lực giá rẻ, nguồn tài nguyên thô và xem các nước nghèo là các bãi rác chứa đựng sự ô nhiễm môi trường mà dân chúng các nước phát triển không chấp nhận như là việc xây dựng các nhà máy có lượng khí thải CO2 cao.  Tiềm năng thị trường và nguồn tài nguyên của các nước nghèo được ví như cô gái đẹp ẩn dấu đằng sau tấm áo nghèo đói. Bằng các chiến lược ngắn và dài hạn, các nhà tài phiệt quốc tế tìm cách ve vãn các ông chủ của cô gái bằng cách tiếp thị những “mỹ phẩm”, “quần áo thời trang” nhằm giúp ông chủ  thấy rằng cô gái kia sẽ đẹp lộng lẫy khi được khoác lên các chiếc áo mượn từ những nhà tài phiệt hào phóng kia.
Bằng các dự án hỗ trợ y tế hay phát chẩn cho các đất nước đói kém với khoản tiền vài trăm ngàn đến vài triệu USD để tạo tấm vé đi vào nội địa. Khi đã dành được thiện cảm với các ông chủ của đất nước, các tài phiệt bắt đầu vẽ nên các dự án lớn hàng trăm triệu đến hàng tỷ Mỹ kim và đưa ra những lưỡi câu nhân danh vì sự thịnh vượng của quốc gia đang nghèo đói kia. Khi các hiệp định vay vốn dưới mỹ từ Vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ở dạng vốn vay thông thường (vốn vay không rằng buộc-normal loan) được ký kết nghĩa là cô gái đẹp kia đang dần thuộc quyền sự hữu các nhà tài phiệt. Một số dự án đầu, quy chế đầu thầu cạnh tranh quốc tế vẫn được áp dụng nhằm làm yên lòng tầng lớp biết tỏng chiến lược của nhà tài phiệt. Bằng các ưu đãi cho những người phê duyệt dự án và những người thực hiện dự án như những chuyến đi du lịch dưới danh nghĩa thăm thú các cở sản xuất và kiểm tra hàng hóa của nước cho vay..., các nhà tài phiệt đang gây nghiện cho các ông chủ nước nghèo bởi những viên ma túy bọc đường mang tên ODA. Khi đã nghiện, các nhà tài phiệt không cho thuốc ngay mà đưa ra thêm các điều kiện bổ sung và được con nghiện đồng ý thì họ sẽ cho vay tiếp. Thế là, từ vốn vay thông thường (normal loan) chuyển sang vốn vay ràng buộc (tied loan) với mức lãi thấp hơn và ân hạn dài hơn. Cụm từ ân hạn được các nhà tài phiệt dùng rất tài tình biểu thị tính nhân văn vì nó có gốc từ từ  “Ân điển-grace” mà Chúa đã ban cho chúng sinh vậy.  Vốn vay ràng buộc chỉ cho phép các công ty tư vấn của bên cho vay tham gia đấu thầu và cho nhà thầu bên vay và bên cho vay đấu thầu xây lắp hay mua sắm. Thông thường các gói thầu không được chia nhỏ ra để chỉ có các nhà thầu bên cho vay mơí đủ năng lực tài chính để đấu thầu còn nhà thầu bên vay với năng lực tài chính thấp thì cứ ở ngoài mà nhìn thèm. Khi các nhà thầu bên cho vay đã nắm tay nhau thì điều gì đã xảy ra? Đó là giá bỏ thầu thường vượt gấp đối hoặc gấp rưỡi giá trần. Chẳng hạn, 1 cái cốc được định giá tối đa trong hồ sơ mời thầu là 5.000 đồng và theo quy tắc thông thường thì những ai bỏ giá thấp với mức 5.000 trở xuống thì sẽ thắng thầu. Thế nhưng, sau khi bỏ thầu, giá cái cốc tăng lên 10.000 đồng và hơn thế. Thực tế ở nhiều quốc gia vay ODA dạng Tied Loan đã có những gói thầu bị vượt thầu cả trăm triệu USD trong khi vốn vay ở dạng Normal Loan với quy mô và đặc tính kỹ thuật phức tạp lại không xảy ra như vậy. Sau khi thắng thầu, các nhà thầu bên cho vay lại trở thành ông chủ và bán lại gọi thầu cho các nhà thầu bản địa với giá thấp nghĩa là chưa thực hiện hợp đồng nhưng các nhà thầu bên cho vay đã kiếm được lợi nhuận dễ dàng. Nước cho vay đã lấy lại gần hết “nợ” khoản vay ngay sau khi các gói thầu tư vấn và xây lắp...được ký kết.
Khi đã nợ nần đầm đìa, cô gái đẹp mang tên tài nguyên sẽ được khai thác để trả nợ dưới dạng nguyên liệu thô mà bên cho vay sẽ tham gia vào tiến trình kiến tạo lợi nhuận từ nguồn nguyên liệu thô đó sau khi nó rời cảng của bên vay. Các nhà tư bản tiền tệ thiên tài lúc đó sẽ đưa ra các chiêu bài lừa bịp số đông dân chúng của kẻ nợ nần bằng cách phanh phui ra vài phi vụ tham nhũng để nói với nhân nhân của kẻ nợ nần rằng chúng tôi tốt với các bạn chỉ có ông chủ của các bạn là tham nhũng xấu xa. Đến đây, kẻ trục lợi tính dễ tổn thương của nước nghèo sẽ hiện nguyên hình nhưng các ông chủ nước nghèo đành ngậm bồ hòn làm ngọt với chủ nợ.
Hy vọng rằng ai đó thương các ông chủ nước nghèo mà giúp họ tỉnh ngộ để không tiếp tục rước nợ vào đất nước dễ dãi như thế. Biết đâu lại giúp ông tránh được cú knock out của những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng ngay trên đất nước ông.
Thay lời kết
Tôi chỉ có thể đưa ra giải pháp để giảm thiểu các tính dễ tổn thương cho cộng đồng chúng ta bằng những tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh., mô hình truyền thông phòng chống buôn bán người....; nhưng chưa thể đưa ra giải pháp để chữa trị tính dễ bị tổn thương của các nước thế giới thứ ba. Bởi vậy, tôi rất mong nhận được chia sẻ của các độc giả. Tôi luôn lắng nghe và học hỏi mọi người.