"Tôi ví hành trình đời sống của tôi giống như việc đi lấy chân kinh vậy. Khả năng sống độc lập, tự tin, trung thực và yêu thương người đồng cảnh là những quyển kinh mà ai muốn có nó đều phải cần cù chăm chỉ"- Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng đã trầm ngâm chiêm nghiệm như thế.
LTS: Gặp gỡ và Đối thoại tuần này là cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với Nguyễn Công Hùng - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2006, Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, một tấm gương người khuyết tật xoay quanh câu chuyện về Trung tâm nghị lực sống và Công ty cổ phần Nghị lực sống của anh.
Mặc dù Trung tâm đã gặt hái được nhiều thành quả lớn như đào tạo trên 700 học viên đều thiếu may mắn về hình thể, trên 300 học viên đã tìm được việc làm và có lương ổn định, nhưng anh vẫn tâm tư rằng chính mình đang giết chết niềm tin của nhiều người đồng cảnh.
Cứu mình rồi đến giúp người
Không ít người thán phục khi nhìn vào những thành quả mà Công Hùng gặt hái được trong 8 năm qua không những cho bản thân mà còn cho những người bạn đồng cảnh khác. Vậy Công Hùng có thể chia sẻ bí quyết gì giúp anh đạt được những kết quả đó?
Tôi may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác là đã được tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT) khá sớm. Khuyết thiếu về khả năng di chuyển của tôi lại là lợi thế tạo nên sự đam mê trong thế giới rộng lớn của CNTT. Thế giới này đã thay đổi số phận của tôi. Từ việc chỉ ngồi ngắm 4 bức tường, suốt ngày buồn tủi, thì nay tôi đã kết nối được bè khắp nơi, có công việc ổn định. Sức khoẻ của tôi rất yếu, may có trí lực thì luôn cải thiện và còn có 1 ngón tay để bấm chuột, tất cả mọi sinh hoạt đều phải nhờ người khác. Nhưng không sao cả, tôi vẫn luôn sống lạc quan.
Anh có thể nói rõ hơn về các loại hình dịch vụ và hoạt động đào tạo mà Trung tâm Nghị lực sống và Công ty cổ phần nghị lực sống đang cung cấp? Và anh có lo lắng rằng một ngày nào đó mình sẽ trắng tay, phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của người khác khi lợi nhuận thu được từ các hoạt động của công ty lại dành cho việc hỗ trợ các đối tượng đồng cảnh khác?
Chúng tôi đào tạo CNTT cho người khuyết tật, thiết kế website, in ấn và chúng tôi vừa mở phòng vé may bay. Chúng tôi đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để có lợi nhuận nuôi chính mình và hỗ trợ các học viên vừa khuyết tật vừa nghèo khổ khác.
Có những lúc tôi cũng nghĩ là mình dành hết lợi nhuận của mình vừa "nuôi" bộ máy hoạt động vừa hỗ trợ những đồng cảnh sẽ không có tích lũy cho chính mình lúc ốm đau bệnh tật.
Tuy nhiên, chính tôi hiểu nhu cầu của người khuyết tật khác hơn ai hết vì những trải nghiệm bản thân trong hành chục năm nay đã thúc dục tôi hãy cứu người khác. Tôi tin rằng mình sẽ luôn được che chở khi biết nỗ lực hết mình.
Nguyễn Công Hùng - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2006 |
Hãy xem 81khổ nạn mà thầy trò Đường tăng đã gặp, tôi ví hành trình đời sống của tôi giống như việc đi lấy chân kinh vậy. Khả năng sống độc lập, tự tin, trung thực và yêu thương người đồng cảnh là những quyển kinh mà ai muốn có nó đều phải cần cù chăm chỉ. Sự cần cù cho tôi những sáng tạo để sinh tồn và không bao giờ lo mình bị đói. Do đó sự sẵn lòng chia sẻ của tôi đối với người đồng cảnh là chuyện rất bình thường.
Tôi đang giết chết niềm tin của nhiều người
Được biết Trung tâm Nghị lực sống đã đào tạo nghề cho trên 700 học viên và trên 300 đã có công ăn việc làm, số người còn lại đang đi về đâu vậy anh?
Nhu cầu lẫn ưu đãi mà xã hội trong việc sử dụng lao động khuyết tật chưa rộng lớn nên tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp cho tất cả các học viên không dễ dàng. Tôi luôn động viên các bạn rằng "Được học để thoát khỏi sự mặc cảm và tự ti về bản thân đã là may mắn hơn hàng triệu người khuyết tật khác".
Bên cạnh những lời động viên đó hẳn anh đã có dự định hay chiến lược nào để 100% học viên đến với Trung tâm Nghị Lực Sống sẽ có việc làm?
Như đã nói ở trên tôi mong muốn tất cả các học viên đều có công ăn việc làm nhưng nếu thực hiện điều này thì rất nhiều người khuyết tật sẽ không được học ở Trung tâm Nghị lực sống bởi các công ty tuyển dụng ngoài việc cần người làm được việc và có sức khỏe tốt, có thể tự đi lại, chăm sóc bản thân được.
Hiện tại 50% học viên tại Trung tâm Nghị lực sống phải ngồi xe lăn, đồng nghĩa tôi phải tạo cơ hội cho họ ngay tại công ty của tôi, nhưng điều đó vẫn còn xa lắm. Nhiều khi tôi nghĩ tôi đang giết chết niềm tin của nhiều người khuyết tật khác.
Tài chính luôn là áp lực đối với chúng tôi
Anh tâm tư rằng chính anh đang giết chết niềm tin của nhiều người khuyết tật, nhưng nhìn vào những gì Trung tâm Nghị lực sống đã làm đượccho các bạn đồng cảnh, có vẻ như câu nói của anh hơi quá?
Đúng vậy, mỗi lúc tôi lên tivi, báo đài là tôi lại tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại. Theo suy nghĩ của nhiều người khuyết tật và gia đình họ, Trung tâm Nghị lực sống là nơi bấu víu tinh thần cuối cùng cho họ và muốn được trung tâm giúp đỡ.
Do những hạn chế về nguồn lực mà có những học viên phải chờ cả năm trời mới đến lượt được vào học; có học viên biết thông tin rồi tự bỏ nhà tìm đến; có những cha mẹ mang con từ quê ra tìm gặp bằng được để tìm một hy vọng. Họ tâm sự "chúng ta gia đình nghèo hèn, già cả rồi, con lại bị như vậy, không biết khi chết đi cháu sẽ sống ra sao".
Biết vậy, họ rất kỳ vọng khi tìm đến tôi, nhưng tôi đã phải từ chối rất nhiều người, để họ ra về trong buồn tủi. Nhiều lúc tôi thức trắng đêm suy nghĩ cách để giúp họ nhưng với khả năng có hạn của tôi đành lực bất tòng tâm.
Anh biết đấy, hầu như tôi không bao giờ ngủ trước 1h sáng để cày và để khuyến khích các thành viên khác Công ty tăng thu nhập đáp ứng một phần nhu cầu của những người kém may mắn khác.
Tài chính luôn là áp lực đối với chúng tôi. Riêng tiền thuê 2 căn nhà vừa làm văn phòng vừa làm nơi ở cho 25 nhân viên và học viên với giá 10.000.000/tháng đã chiếm một phần thu nhập không nhỏ của chúng tôi.
Nguyễn Công Hùng và công ty trong buổi thảo luận kế hoạch 2011. |
Nỗ lực tự thân mình đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và xã hội, nhưng đến nay Trung tâm vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động. Vậy anh có thể chia sẻ những khó khăn khi gặp phải hạn chế này?
Có những tổ chức đặt vấn đề hỗ trợ trung tâm về tài chính nhưng khi hỏi về tư cách pháp nhân thì không có nên họ đành chịu "vô tâm" với chúng tôi. Hiện tại, Trung tâm nhận hỗ trợ chính từ những cá nhân đơn lẻ và chúng tôi rất khó cho những kế hoạch lâu dài.
Kể từ lúc thành lập đến nay, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để xin tư cách pháp nhân cho trung tâm, đã gõ cửa các bộ nghành liên quan nhưng vẫn chưa được bởi lẽ đã là Giám đốc thì phải có bằng đại học mà tôi thì lấy đâu ra bằng đại học, cở sở hạ tầng....
Tôi có hỏi các cơ quan chức năng "với sản phẩm thật chúng tôi đã tạo ra cho xã hội thì có đặc cách gì không?". Câu trả lời vẫn luôn là "phải đúng quy định thôi!".
Nếu Trung tâm của tôi có tư cách pháp nhân thì không những các tổ chức/doanh nghiệp trong nước ủng hộ mà con thu hút được nguồn lực quốc tế dành cho các tổ chức khuyết tật.
Thôi thì tự do tự tại, dù sao mình cũng đã cố gắng rồi. Các bạn tôi hay trêu đùa "lại về cái mạng lợn thôi". Tự mình xưng vương tại lãnh địa của mình, cũng chả ai gây khó mình mà.
Xin được khép lại cuộc trò chuyện với câu hỏi ước muốn lớn nhất trong năm 2011 của anh là gì?
Mong muốn thì nhiều, nhưng nói ra rồi cũng để làm gì?
Tôi giờ chỉ có kế hoạch thôi, phát triển kinh doanh và tiếp tục hỗ trợ người khuyết tật theo khả năng.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ nhưng thông tin hữu ích!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét