Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

ĐỪNG VÔ CẢM VÀ SỢ HÃI NHƯ THẾ!



Hai cha con đi biểu tình chống Trung Quốc. 19.6.2011
Gửi người thanh niên tại điểm chờ xe buýt trên đường Trần Phú lúc 11:15 ngày 19/6/2011 

Ngày 19/6, sau khi kết thúc biểu tình, hai bố con tôi đến đón xe buýt số 22  trên đường Trần Phú để về rạp chiếu phim Quốc gia cho con trai tôi xem phim Kungfu Panda phần 2, phần thưởng vì cu cậu đã đi biểu tình cùng bố. Trong lúc đợi xe, có những người trong đoàn biểu tình vừa giải tán đi qua, có 1 thanh niên trạc tuổi 20 mặc áo phông hiệu Pierre Cardin cũng đang đợi xe nói với bạn đi cùng “ôi, biểu tình biểu tót rách việc”, “cứ chường mặt ra đó, bọn Trung Quốc nó tìm đến nhà nó diệt cho”. Người bạn đi cùng phản ứng lại “sao bạn lại nói thế?”. Người kia lại tiếp “Ôi, nhà tớ người thì chống Mỹ, người thì chống Tàu, nhưng bây giờ có thấy gì tốt đẹp hơn đâu?” Người bạn  lắc đầu và cả hai chạy lên xe buýt.

Rất tiếc tôi đã không hỏi được tên của hai em và địa chỉ cụ thể đưa vào bài viết nhưng anh vẫn mong rằng các em sẽ đọc được bài viết này ở đâu đó trên mạng internet.

Tôi xin bắt đầu câu nói thứ nhất của em “ôi, biểu tình biểu tót rách việc”. 

Em ơi sao em vô cảm đến thế? Em phải tìm hiểu tại sao người dân Việt Nam vốn không ưa biểu tình mà lại tập trung trước Đại Sứ quán TQ để phản đối bọn chúng  chứ? Em biết không: Ngày 8 tháng 1 năm 2005 bọn cảnh sát biển TQ bao vây và nổ súng tấn công 2 tàu đánh cá của ngư dân Thanh Hóa đang đánh cá trong khu vực Vịnh Bắc Bộ làm chết 9 người, 7 người bị thương và bắt giữ 8 người. Bắn giết xong, chúng còn mang cả tàu lẫn xác chết ngư dân về Hải Khẩu của chúng. Nhiều năm nay, chúng nó cướp bóc và quấy nhiễu tàu cá  của chúng ta ngay trên lãnh hải của mình. Gần đây, chúng nó cắt cáp tàu Bình Minh và phá cáp tàu Viking ngày trong thềm lục địa của chúng ta. 

Tội ác mà bọn Trung Quốc gây ra cho đất nước chúng ta từ năm 1979 đến nay không hề chấm dứt, chúng nó đã giết 64 chiến sỹ  hải quân của chúng ta ở Trường Sa vào năm 1988… 

Thử hỏi rằng nếu một trong những người nhà của em là nạn nhân của bọn Trung Quốc tàn ác kia thì em có đau xót không? Em ơi hãy đọc và ngẫm nghĩ của nói này hàng ngày “Chỉ có thú vật mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại, mà chỉ lo chăm sóc cho bộ lông của mình”(Các Mác) để không thốt lên những câu nói vô cảm như em đã phạm phải em nhé.

Câu đầu tiên thì anh giận em nhưng câu này thì anh thông cảm với em một phần và cũng ngỡ ngàng vì suy nghĩ của em. 

“cứ chường mặt ra đó, bọn Trung Quốc nó tìm đến nhà nó diệt cho”. 

Anh thông cảm với nỗi sợ của em vì phàm là con người thì ai cũng tham sống sợ chết. Ai cũng muốn mình được an toàn và sung sướng do đó em sợ bọn Trung Quốc nó hại người biểu tình chính là em sợ nó hại em. Sự sợ hãi dường như đã ăn sâu vào tâm thức của em nên giữa thanh thiên bạch nhật trong thành phố hòa bình mà em vẫn lộ ra sự sợ hãi đó. Có lẽ, hàng hiệu em mặc, các thiết bị điện tử em đang dùng và thân thể nhễ mỡ của em đã làm em ích kỷ và luôn sợ hãi? Tuy nhiên, anh vẫn thông cảm lẫn thương cảm em hơn là giận em.

Nỗi lo của em cũng có phần đúng vì anh biết rằng trên các tuyến xe buýt của chúng ta, bọn Trung Quốc nói tiếng Việt như người Hà Nội không ít. Hơn nữa, Trung Quốc đã tồn tại những chính thể giết người như cắt cỏ, gần đây thôi, vị tiên trong mắt tầng lớp công nông Trung Quốc, tên đồ tể Mao Trạch Đông đã làm cho hàng chục triệu người dân chết thê thảm trong đói kém của Đại nhảy vọt và tuyệt diệt hàng chục triệu trí thức lẫn công chức trong Cách mạng văn hóa. Một chính thể đã để dân phải làm thịt con mà ăn thì hậu duệ kế thừa chính thể đó không thể không tàn ác.

Cũng có thể rằng, những người biểu tình Trung Quốc có thể bị chính bọn chúng làm hại bằng cách: (i) ném heroin, sách báo đồi trụy hoặc các tài liệu chống nhà nước vào nhà để người Việt chúng ta hại nhau; (ii) Chúng có thể gây lộn đánh nhau với người biểu tình để người Việt vào nhà đá vì tội gây rối công cộng; (iii) Chúng cũng có thể bắt cóc người biểu tình rồi chích cho một liều kích dục cực mạnh vào người và cho ở cùng với một cô gái vẫy nào đó, để hình ảnh của người yêu nước trở thành kẻ tội đồ, xấu xa trên mặt báo và trong xã hội vv&vv. 

Em ạ, có lẽ nhiều người biểu tình đã lường trước những rủi ro mà họ có thể gặp nhưng họ đã vượt qua sự sợ hãi để thể hiện bổn phận công dân tối thiểu của mình khi đất nước đứng trước họa xâm lăng của Đại Hán tàn độc. Dân tộc mình còn có phúc đấy em ạ.

Đến câu nói thứ ba, anh lại thấy em không hiểu gì về giá trị của hòa bình và vô ơn trước sự hy sinh của hàng triệu đã ngã xuống để có nước Việt hôm nay “ôi, nhà tớ người thì chống Mỹ, người thì chống Tàu, nhưng bây giờ có thấy gì tốt đẹp hơn đâu?”. Em ơi, người nhà của em chống Mỹ, chống Tàu là chuyện đương nhiên vì cả dân tộc này đều làm điều đó và ít nhất em và 86 triệu người khác đang được hưởng hòa bình. Hàng chục triệu người được đến trường học hành. Chúng ta không đói khổ như những năm chiến tranh và bao cấp. Nước ta chưa giàu có bằng Nhật, bằng Hàn Quốc, bằng Tây Âu, bằng Mỹ, chưa tuân thủ luật giao thông như nước bạn Lào, nhưng nước ta vẫn hơn Bắc Hàn đang đói khát, Miến Điện và một số nước Châu Phi. Em hãy xem đó làm niềm tự hào nho nhỏ chứ.

Những người trong nhà em tham gia chiến đấu để mang lại mọi lợi ích cho bố mẹ em và cho em đấy. Hãy biết ơn họ và đừng phỉ nhổ vào những họ đã làm bằng sự vô cảm và sợ hãi như thế. Có lẽ bố mẹ em là gian thương hoặc quan chức tham nhũng nên tạo ra em một người thanh niên mà vô nhân cách đến vậy.

Em nên tự biết rằng những thứ em đang sở hữu trên người đã đủ cho 10 người dân Thanh Hóa đang thiếu đói có gạo ăn một năm đấy. Em đừng đòi hỏi quá nhiều khi chưa làm được gì cho xã hội này tốt đẹp lên.

Cuối cùng, anh muốn nói với em rằng “ĐỪNG TIẾP TỤC VÔ CẢM VÀ SỢ HÃI!”. Bởi vì, khi đã vượt qua nỗi sợ hãi thì bọn Tàu có làm hại em bằng móc mắt, bằng chặt chân tay, bằng heroin hay thuốc kích dục, thì em vẫn xem nó là sự hy sinh cần thiết cho đất nước được vẹn toàn lãnh thổ mà cha ông chúng ta đã khai phá và gìn giữ.

Khi em xem sự hy sinh cho tổ quốc là bổn phận đương nhiên của đời người thì tự nhiên trong lòng em trào dâng sự cảm phục và yêu mến những người đi biểu tình; em sẽ biết xót xa trước những điều xấu xa tệ hại, bất công đang diễn ra xung quanh đời sống của mình; và em sẽ biết khóc và căm giận khi nghe tin những ngư dân mình bị cướp giết ngay trên lãnh hải của chúng ta.

Kỳ vọng vào sự thay đổi ở nơi em vì bên cạnh em có một người bạn khác em! 

Nguyễn Quang Thạch

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Tính dễ tổn thương & những kẻ trục lợi


Tác giả: Nguyễn Quang Thạch
Tính dễ bị tổn thương hoặc yếu tố dễ bị tổn thương (Vulnerability) được định nghĩa ở nhiều lĩnh vực khác nhau với cách biểu đạt khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là tính yếu (weakness) của vật chất, con người, tôn giáo, xã hội, nền kinh tế hay quốc gia. Tính dễ tổn thương làm chủ thể của nó dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài tác động vào một cách có chủ đích hoặc không có chủ đích. Xét về khía cạnh con người, yếu tố dễ bị tổn thương nhiều khi bao gồm cả lòng tham lẫn sự kém hiểu biết ở từng cấp độ khác nhau mà đáng lẽ chủ thể của nó cần được nâng cao năng lực để tránh những rủi ro không đáng có. Sự biến thiên hay ma trận của tính dễ bị tổn thương và chủ thể của nó rất khó có thể định danh trong một vài trang giấy. Trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn đưa ra một số nhóm dễ bị tổn thương cũng như những kẻ trục lợi tương ứng.
Nhóm cộng đồng nghèo
Trong cuốn Sổ tay hướng dẫn tái định cư do Ngân hàng phát triển Châu Á ấn hành năm 2000, người ta phân loại nhóm dễ bị ảnh hưởng gồm những Phụ nữ đơn thân đảm trách gia đình (family headed women), trẻ em, người già và những nhóm dân tộc thiểu sổ. Những nhóm người này được cho là dể bị tổn thương trong quá trình tái định cư vì họ rất khó khăn trong quá trình di chuyển cũng như khôi phục sinh kế đến giới hạn trước lúc tái định cư.
Cộng đồng càng nghèo thì tính dễ bị tổn thương càng cao vì họ không có cơ hội tiếp cận giáo dục đầy đủ dẫn đến nhận thức thấp. Nhóm phụ nữ, trẻ em và người già có tính dễ bị tổn thương tỷ lệ thuận với tình trạng nghèo đói. Thực tế cho thấy, những xã nghèo thường có người di cư lên đô thị tìm kiếm sinh kế rất cao. Điển hình có một số xã thuộc huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa có số lượng trẻ lẫn người già đi ăn xin, đánh dày ở Hà Nội và Sài Gòn rất cao. Một số tỉnh miền núi phía Bắc có lượng phụ nữ tự di cư thậm chí nhiều khi tự buôn bán (trả tiền cho bà mối để lấy chồng Trung Quốc) sang biên kia biên giới để có cơ hội làm thuê và lập gia đình. Những kẻ trục lợi cộng đồng nghèo thường là những kẻ  tuyển dụng và chăn dắt cái bang, tuyển dụng lao động hay buôn bán người. Một số cặp vợ chồng ở Quảng Xương đã lừa bố mẹ các trẻ em nghèo ở xã Quảng Khê-Quảng Xương-Thanh Hóa rằng họ sẽ đưa các trẻ vào Sài Gòn bán vé xổ số, mỗi tháng bố mẹ ở quê nhận 300.000 đến 500.000 tiền lương do các em kiếm được. Trên thực tế, họ đã bắt các em đi ăn xin để kiếm lợi khổng lồ. Em Lê Thị S chia sẻ, mỗi ngày em phải nộp 300.000 đồng, những kẻ chăn dắt đã kiếm từ em S và những người khác mỗi tháng trên dưới 50.000.000 đồng. Trong trường hợp này, 2 nhân tố đã bị trục lợi là yếu tố dễ bị tổn thương lẫn tình thương. Ngoài ra, cộng đồng nghèo còn bị các doanh nghiệp trục lợi ngay trong cộng đồng của mình thông qua dịch vụ hàng hóa. Nhưng chai nước và que kem rẻ như bèo chỉ chứa đường hóa học, phẩm màu và nước lã là thứ cộng đồng yêu thích trong phạm vi túi tiền của họ.
Những nhóm trẻ ăn mày, nạn nhân bị bóc lột lao động và tình dục không những bị tổn thương ngày càng nặng về thể chất lẫn tinh thần mà nghiêm trọng hơn họ lại trở thành những kẻ trục lợi trên chính nhóm người như họ trước đây. Một vòng luẩn quẩn, đói nghèo, tổn thương và gây tổn thương cho cộng đồng sẽ đi hết chu trình này đến chu trình khác cho đến khi những nhóm người này bị văng ra khỏi quỹ đạo xã hội bởi nhà tù hoặc những cái chết thảm thương. Xã hội phải gánh trên vai mình những hậu quả phái sinh do các nhóm dễ bị tổn thương và kẻ trục lợi gây nên mà những người không nằm trong chu trình này cũng bị ảnh hưởng thậm chí nhiều khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhóm thanh thiếu niên
Yếu tố dễ bị tổn thương ở nhóm thanh thiếu nên gồm học sinh, sinh viên và công nhân rất khó nhận ra vì nó mập mờ giữa nhu cầu hưởng thụ vật chất, nhu cầu tình cảm, nhu cầm đức tin và dịch vụ xã hội, trạng thái tình cảm và tôn giáo. Việc tìm ra ví dụ minh họa chỉ có thể minh chứng một số đặc tính mang tính điển hình hơn là đại diện. Chẳng hạn như, tâm lý của các em gái từ độ tuổi 14-18 là rất dễ  thần tượng một ai đó, trở thành yếu tố dễ bị tổn thương vì các em chưa độ chín chắn và dễ bị lợi dụng bởi những kẻ trải đời. Không ít, các nữ sinh cấp 3 đã thích sinh viên thực tập, sự thích vô tư trong sáng đó lại bị các anh sinh viên lợi dụng và chiếm đoạt một cách dễ dàng dưới cái vỏ tình yêu.
Tâm lý thích tiếp cận sự mới lạ cũng như muốn thể hiện sự sành điệu của nhiều trẻ em nam là yếu tố tâm lý dễ bị tổn thương bởi gameonline. Kẻ trục lợi các em là các quán internet, ban đầu họ khuyến mãi cho các em chơi dăm ba lần. Khi thấy các em bắt đầu thích họ cho chơi nợ, nếu các em không có tiền họ nhận hiện vật như gà, vịt, gạo, thậm chí các đồ dùng gia đình. Điều đáng nói là những nhà cung cấp game đánh vào tâm lý trẻ và cung cấp các loại game dễ xâm nhập vào các em để gây nghiện mà khi đã nghiện thì họ gián tiếp kiếm tiền rất dễ dàng.
Không ít, sinh viên và công nhân xa quê, do thiếu thốn tình cảm. Thiếu thốn tình cảm đã trở thành yếu tố dễ bị tổn thương và chính các em đã bị những nhóm truyền đạo lợi dụng để thu nạp tín đồ. Sau khi trở thành tín đồ, các em lại trở thành các nhà truyền giáo cấp 1. Tự do tín ngưỡng hay đến với đức tin nào đó là điều bình thường nhưng người ta lại dụng yếu tố đức tin để lôi kéo gia đình và họ hàng phải tin theo mình. Không ít các tín đồ đã về nhà dỡ bỏ bàn thờ gia tiên vì nghĩ ông bà tổ tiên mình là ma quỷ.  Người bị lợi dụng lẫn kẻ trục lợi đã tạo nên những xung đột nghiêm trọng trong gia đình, dòng họ và phá vỡ yếu tố truyền thồng lẫn kết cấu cộng đồng và nhiều khi còn bị lợi dụng để chống lại chính quyền, gây rối loạn kỹ cương xã hội.
Nhóm các quốc gia thế giới thứ ba
Tương tự như người nghèo, các nước nghèo là tập hợp người nghèo ở số đông và được xếp vào các nước thuộc thế giới thư 3. Một quốc gia nghèo luôn tồn tại các yếu tố dễ bị tổn thương. Nhiều khi, do đã quen với các trạng thái xã hội như bất công, quan liêu, tham nhũng... công dân lẫn chính phủ không nhận ra yếu tố dễ bị tổn thương của mình mà chỉ khi sự tổn thương dồn tích tạo nên bùng phát tự thân hoặc các quốc gia có quan hệ thương mại bị khủng khoảng kinh tế chính trị thì quốc gia nghèo mới có thể nhận ra nó. Lúc đó, có thể dẫn đến bất ổn chính trị xã hội nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến nội chiến hay cách mạng lật đổ.
Về mặt kinh tế lẫn chính trị,  những đất nước nghèo luôn là kẻ yếu thế trên trường quốc tế và trở thành con mồi cho các quốc gia phát triển. Thông thường, các nước giàu khai thác ở nước nghèo nguồn nhân lực giá rẻ, nguồn tài nguyên thô và xem các nước nghèo là các bãi rác chứa đựng sự ô nhiễm môi trường mà dân chúng các nước phát triển không chấp nhận như là việc xây dựng các nhà máy có lượng khí thải CO2 cao.  Tiềm năng thị trường và nguồn tài nguyên của các nước nghèo được ví như cô gái đẹp ẩn dấu đằng sau tấm áo nghèo đói. Bằng các chiến lược ngắn và dài hạn, các nhà tài phiệt quốc tế tìm cách ve vãn các ông chủ của cô gái bằng cách tiếp thị những “mỹ phẩm”, “quần áo thời trang” nhằm giúp ông chủ  thấy rằng cô gái kia sẽ đẹp lộng lẫy khi được khoác lên các chiếc áo mượn từ những nhà tài phiệt hào phóng kia.
Bằng các dự án hỗ trợ y tế hay phát chẩn cho các đất nước đói kém với khoản tiền vài trăm ngàn đến vài triệu USD để tạo tấm vé đi vào nội địa. Khi đã dành được thiện cảm với các ông chủ của đất nước, các tài phiệt bắt đầu vẽ nên các dự án lớn hàng trăm triệu đến hàng tỷ Mỹ kim và đưa ra những lưỡi câu nhân danh vì sự thịnh vượng của quốc gia đang nghèo đói kia. Khi các hiệp định vay vốn dưới mỹ từ Vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ở dạng vốn vay thông thường (vốn vay không rằng buộc-normal loan) được ký kết nghĩa là cô gái đẹp kia đang dần thuộc quyền sự hữu các nhà tài phiệt. Một số dự án đầu, quy chế đầu thầu cạnh tranh quốc tế vẫn được áp dụng nhằm làm yên lòng tầng lớp biết tỏng chiến lược của nhà tài phiệt. Bằng các ưu đãi cho những người phê duyệt dự án và những người thực hiện dự án như những chuyến đi du lịch dưới danh nghĩa thăm thú các cở sản xuất và kiểm tra hàng hóa của nước cho vay..., các nhà tài phiệt đang gây nghiện cho các ông chủ nước nghèo bởi những viên ma túy bọc đường mang tên ODA. Khi đã nghiện, các nhà tài phiệt không cho thuốc ngay mà đưa ra thêm các điều kiện bổ sung và được con nghiện đồng ý thì họ sẽ cho vay tiếp. Thế là, từ vốn vay thông thường (normal loan) chuyển sang vốn vay ràng buộc (tied loan) với mức lãi thấp hơn và ân hạn dài hơn. Cụm từ ân hạn được các nhà tài phiệt dùng rất tài tình biểu thị tính nhân văn vì nó có gốc từ từ  “Ân điển-grace” mà Chúa đã ban cho chúng sinh vậy.  Vốn vay ràng buộc chỉ cho phép các công ty tư vấn của bên cho vay tham gia đấu thầu và cho nhà thầu bên vay và bên cho vay đấu thầu xây lắp hay mua sắm. Thông thường các gói thầu không được chia nhỏ ra để chỉ có các nhà thầu bên cho vay mơí đủ năng lực tài chính để đấu thầu còn nhà thầu bên vay với năng lực tài chính thấp thì cứ ở ngoài mà nhìn thèm. Khi các nhà thầu bên cho vay đã nắm tay nhau thì điều gì đã xảy ra? Đó là giá bỏ thầu thường vượt gấp đối hoặc gấp rưỡi giá trần. Chẳng hạn, 1 cái cốc được định giá tối đa trong hồ sơ mời thầu là 5.000 đồng và theo quy tắc thông thường thì những ai bỏ giá thấp với mức 5.000 trở xuống thì sẽ thắng thầu. Thế nhưng, sau khi bỏ thầu, giá cái cốc tăng lên 10.000 đồng và hơn thế. Thực tế ở nhiều quốc gia vay ODA dạng Tied Loan đã có những gói thầu bị vượt thầu cả trăm triệu USD trong khi vốn vay ở dạng Normal Loan với quy mô và đặc tính kỹ thuật phức tạp lại không xảy ra như vậy. Sau khi thắng thầu, các nhà thầu bên cho vay lại trở thành ông chủ và bán lại gọi thầu cho các nhà thầu bản địa với giá thấp nghĩa là chưa thực hiện hợp đồng nhưng các nhà thầu bên cho vay đã kiếm được lợi nhuận dễ dàng. Nước cho vay đã lấy lại gần hết “nợ” khoản vay ngay sau khi các gói thầu tư vấn và xây lắp...được ký kết.
Khi đã nợ nần đầm đìa, cô gái đẹp mang tên tài nguyên sẽ được khai thác để trả nợ dưới dạng nguyên liệu thô mà bên cho vay sẽ tham gia vào tiến trình kiến tạo lợi nhuận từ nguồn nguyên liệu thô đó sau khi nó rời cảng của bên vay. Các nhà tư bản tiền tệ thiên tài lúc đó sẽ đưa ra các chiêu bài lừa bịp số đông dân chúng của kẻ nợ nần bằng cách phanh phui ra vài phi vụ tham nhũng để nói với nhân nhân của kẻ nợ nần rằng chúng tôi tốt với các bạn chỉ có ông chủ của các bạn là tham nhũng xấu xa. Đến đây, kẻ trục lợi tính dễ tổn thương của nước nghèo sẽ hiện nguyên hình nhưng các ông chủ nước nghèo đành ngậm bồ hòn làm ngọt với chủ nợ.
Hy vọng rằng ai đó thương các ông chủ nước nghèo mà giúp họ tỉnh ngộ để không tiếp tục rước nợ vào đất nước dễ dãi như thế. Biết đâu lại giúp ông tránh được cú knock out của những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng ngay trên đất nước ông.
Thay lời kết
Tôi chỉ có thể đưa ra giải pháp để giảm thiểu các tính dễ tổn thương cho cộng đồng chúng ta bằng những tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh., mô hình truyền thông phòng chống buôn bán người....; nhưng chưa thể đưa ra giải pháp để chữa trị tính dễ bị tổn thương của các nước thế giới thứ ba. Bởi vậy, tôi rất mong nhận được chia sẻ của các độc giả. Tôi luôn lắng nghe và học hỏi mọi người.

Không bằng cấp, thu nhập 5.000 USD mỗi tháng

Quyết định đầu tư táo bạo, vợ chồng anh nông dân Ngô Xuân Linh ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã thành “tỷ phú” với thu nhập mỗi tháng trên 100 triệu đồng.

Bỏ “thương” về với “nông” 

Tôi bước theo người công nhân giữa vườn cam bạt ngàn của vợ chồng anh chị. Anh cho biết “khoảng 250 cây cam bù vừa thu hoạch trước Tết được khoảng 25 tấn và 300 cây cam chanh được khoảng 30 tấn quả nữa. Hiện tại còn khoảng 20 tấn chưa thu hoạch.
 
Người làm vườn ở đây cho hay có những cây cam bù cho 2 tạ quả. Mỗi ký bán tại vườn bình quân là 50.000 đồng, tức mỗi cây cam có thể cho thu nhập 10 triệu đồng. 

Gia đình anh Linh vốn làm nông nhiều đời, nhưng dân Sơn Ninh có nhiều người theo nghề buôn nên học hết cấp 3, anh cũng theo chân người làng buôn bán khắp nơi. 

Những năm 90 của thế kỷ trước, hai vợ chồng tích lũy vốn liếng và đi buôn hàng điện tử từ Thái Lan và Lào về Việt Nam bán. Thời gian đầu, làm ăn rất phát vì ít người làm sau đó thì kém đi.
 

Sau vài năm tìm sinh kế mới, cả hai bắt đầu nghĩ đến việc chuyển từ đi buôn sang làm vườn.  Ở quê đất chật người đông , hai vợ chồng mạnh dạn sang vùng đồi núi xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy để tìm mua đất canh tác. 

Ở các xã này có nhiều đồi trọc, không ai quan tâm. Anh đến xã Sơn Mai, xin thuê 7 quả đồi trọc với diện tích 20 ha để trồng trọt và chăn nuôi. Sau 2 năm thuyết phục chính quyền địa phương, huyện và tỉnh, anh đã được cho thuê 50 năm.
 

Mạnh dạn mới thành tỉ phú


Tch lũy được 500 triệu, vợ chồng anh Linh  cắm nhà, xe, vay ngân hàng và bạn bè thêm 1 tỷ  đồng, bắt đầu vào cải tạo đồi trọc bằng trồng cỏ nuôi bò, trồng rau nuôi lợn và đắp đập thả cá. 

Chuồng nuôi bò công nghiệp của gia đình anh Linh

Cách làm của vợ chồng anh là dùng phân và nhờ cỏ để cải tạo đất; tăng độ mùn cho đất bằng phân bắc và cỏ mục. Anh chị cũng mạnh dạn thực hiện việc trồng cây trên mô hình đất dốc. Cỏ khô và phân bò trộn vỏ lạc được đưa xuống các hố đào trước lúc các cành cam giống được trồng.

Quy trình cải tạo đất này khiến cam nhanh tốt, cho quả gấp đôi, gấp ba các hộ dân trồng cam trong vùng. 


Việc mua giống cam rất khó vì người dân bản địa không muốn bán. Anh Linh phải đi thuyết phục và mua với giá cao gấp đôi gấp 3 thị trường khoảng 300 trăm gốc đầu. Sau 3 năm, anh nhân giống từ các cây cam khỏe mạnh.

Hiện tại, trang trại có 7.000 gốc cam chanh và cam bù. 1000 gốc đã cho thu hoạch. Sang năm, số cây cam cho quả sẽ tăng gấp đôi, đồng nghĩa với tổng sản lượng thu hoạch sẽ vượt lên 150 tấn. Hàng năm, sản lượng tăng lên khoảng 30-40 tấn.
 

Áp dụng kĩ thuật mới, vợ chồng anh đa dạng hóa được các nguồn thu nhập và tạo ra một chu trình sản xuất cộng sinh giữa cây cối, chăn nuôi trên cạn lẫn dưới nước. 


Từ năm 2008 đến nay, thu nhập của gia đình anh tăng từ 500 triệu đến trên 3 tỷ đồng. Không những trả hết nợ, từ năm 2010,  lãi ròng còn lên tới 2 tỷ đồng. Tết năm 2011, con số đó đã là trên 3 tỷ đồng. Tính ra, mức bình quân hàng tháng mỗi người khoảng 5.000 USD.

“Tôi đang giết chết niềm tin của nhiều người”

Tác giả: NGUYỄN QUANG THẠCH
"Tôi ví hành trình đời sống của tôi giống như việc đi lấy chân kinh vậy. Khả năng sống độc lập, tự tin, trung thực và yêu thương người đồng cảnh là những quyển kinh mà ai muốn có nó đều phải cần cù chăm chỉ"- Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng đã trầm ngâm chiêm nghiệm như thế.
LTS: Gặp gỡ và Đối thoại tuần này là cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với Nguyễn Công Hùng - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2006, Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, một tấm gương người khuyết tật xoay quanh câu chuyện về Trung tâm nghị lực sống và Công ty cổ phần Nghị lực sống của anh.
Mặc dù Trung tâm đã gặt hái được nhiều thành quả lớn như đào tạo trên 700 học viên đều thiếu may mắn về hình thể, trên 300 học viên đã tìm được việc làm và có lương ổn định, nhưng anh vẫn tâm tư rằng chính mình đang giết chết niềm tin của nhiều người đồng cảnh.
Cứu mình rồi đến giúp người
Không ít người thán phục khi nhìn vào những thành quả mà Công Hùng gặt hái được trong 8 năm qua không những cho bản thân mà còn cho những người bạn đồng cảnh khác. Vậy Công Hùng có thể chia sẻ bí quyết gì giúp anh đạt được những kết quả đó?
Tôi may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác là đã được tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT) khá sớm. Khuyết thiếu về khả năng di chuyển của tôi lại là lợi thế tạo nên sự đam mê trong thế giới rộng lớn của CNTT. Thế giới này đã thay đổi số phận của tôi. Từ việc chỉ ngồi ngắm 4 bức tường, suốt ngày buồn tủi, thì nay tôi đã kết nối được bè khắp nơi, có công việc ổn định. Sức khoẻ của tôi rất yếu, may có trí lực thì luôn cải thiện và còn có 1 ngón tay để bấm chuột, tất cả mọi sinh hoạt đều phải nhờ người khác. Nhưng không sao cả, tôi vẫn luôn sống lạc quan.
Anh có thể nói rõ hơn về các loại hình dịch vụ và hoạt động đào tạo mà Trung tâm Nghị lực sống và Công ty cổ phần nghị lực sống đang cung cấp? Và anh có lo lắng rằng một ngày nào đó mình sẽ trắng tay, phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của người khác khi lợi nhuận thu được từ các hoạt động của công ty lại dành cho việc hỗ trợ các đối tượng đồng cảnh khác?
Chúng tôi đào tạo CNTT cho người khuyết tật, thiết kế website, in ấn và chúng tôi vừa mở phòng vé may bay. Chúng tôi đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để có lợi nhuận nuôi chính mình và hỗ trợ các học viên vừa khuyết tật vừa nghèo khổ khác.
Có những lúc tôi cũng nghĩ là mình dành hết lợi nhuận của mình vừa "nuôi" bộ máy hoạt động vừa hỗ trợ những đồng cảnh sẽ không có tích lũy cho chính mình lúc ốm đau bệnh tật.
Tuy nhiên, chính tôi hiểu nhu cầu của người khuyết tật khác hơn ai hết vì những trải nghiệm bản thân trong hành chục năm nay đã thúc dục tôi hãy cứu người khác. Tôi tin rằng mình sẽ luôn được che chở khi biết nỗ lực hết mình.
Nguyễn Công Hùng - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2006
Hãy xem 81khổ nạn mà thầy trò Đường tăng đã gặp, tôi ví hành trình đời sống của tôi giống như việc đi lấy chân kinh vậy. Khả năng sống độc lập, tự tin, trung thực và yêu thương người đồng cảnh là những quyển kinh mà ai muốn có nó đều phải cần cù chăm chỉ. Sự cần cù cho tôi những sáng tạo để sinh tồn và không bao giờ lo mình bị đói. Do đó sự sẵn lòng chia sẻ của tôi đối với người đồng cảnh là chuyện rất bình thường.
Tôi đang giết chết niềm tin của nhiều người
Được biết Trung tâm Nghị lực sống đã đào tạo nghề cho trên 700 học viên và trên 300 đã có công ăn việc làm, số người còn lại đang đi về đâu vậy anh?
Nhu cầu lẫn ưu đãi mà xã hội trong việc sử dụng lao động khuyết tật chưa rộng lớn nên tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp cho tất cả các học viên không dễ dàng. Tôi luôn động viên các bạn rằng "Được học để thoát khỏi sự mặc cảm và tự ti về bản thân đã là may mắn hơn hàng triệu người khuyết tật khác".
Bên cạnh những lời động viên đó hẳn anh đã có dự định hay chiến lược nào để 100% học viên đến với Trung tâm Nghị Lực Sống sẽ có việc làm?
Như đã nói ở trên tôi mong muốn tất cả các học viên đều có công ăn việc làm nhưng nếu thực hiện điều này thì rất nhiều người khuyết tật sẽ không được học ở Trung tâm Nghị lực sống bởi các công ty tuyển dụng ngoài việc cần người làm được việc và có sức khỏe tốt, có thể tự  đi lại, chăm sóc bản thân được.
Hiện tại 50% học viên tại Trung tâm Nghị lực sống  phải ngồi xe lăn, đồng nghĩa tôi phải tạo cơ hội cho họ ngay tại công ty của tôi, nhưng điều đó vẫn còn xa lắm. Nhiều khi tôi nghĩ tôi đang giết chết niềm tin của nhiều người khuyết tật khác.
Tài chính luôn là áp lực đối với chúng tôi
Anh tâm tư rằng chính anh đang giết chết niềm tin của nhiều người khuyết tật, nhưng nhìn vào những gì Trung tâm Nghị lực sống đã làm đượccho các bạn đồng cảnh, có vẻ như câu nói của anh hơi quá?
Đúng vậy, mỗi lúc tôi lên tivi, báo đài là tôi lại tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại. Theo suy nghĩ của nhiều người khuyết tật và gia đình họ, Trung tâm Nghị lực sống là nơi bấu víu tinh thần cuối cùng cho họ và muốn được trung tâm giúp đỡ.
Do những hạn chế về nguồn lực mà có những học viên phải chờ cả năm trời mới đến lượt được vào học; có học viên biết thông tin rồi tự bỏ nhà tìm đến; có những cha mẹ mang con từ quê ra tìm gặp bằng được để tìm một hy vọng. Họ tâm sự "chúng ta gia đình nghèo hèn, già cả rồi, con lại bị như vậy, không biết khi chết đi cháu sẽ sống ra sao".
Biết vậy, họ rất kỳ vọng khi tìm đến tôi, nhưng tôi đã phải từ chối rất nhiều người, để họ ra về trong buồn tủi. Nhiều lúc tôi thức trắng đêm suy nghĩ cách để giúp họ nhưng với khả năng có hạn của tôi đành lực bất tòng tâm.
Anh biết đấy, hầu như tôi không bao giờ ngủ trước 1h sáng để cày và để khuyến khích các thành viên khác Công ty tăng thu nhập đáp ứng một phần nhu cầu của những người kém may mắn khác.
Tài chính luôn là áp lực đối với chúng tôi. Riêng tiền thuê 2 căn nhà vừa làm văn phòng vừa làm nơi ở cho 25 nhân viên và học viên với giá 10.000.000/tháng đã chiếm một phần thu nhập không nhỏ của chúng tôi.
Nguyễn Công Hùng và công ty trong buổi thảo luận kế hoạch 2011.
Nỗ lực tự thân mình đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và xã hội, nhưng đến nay Trung tâm vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động. Vậy anh có thể chia sẻ những khó khăn khi gặp phải hạn chế này?
Có những tổ chức đặt vấn đề hỗ trợ trung tâm về tài chính nhưng khi hỏi về tư cách pháp nhân thì không có nên họ  đành chịu "vô tâm" với chúng tôi. Hiện tại, Trung tâm nhận hỗ trợ chính từ những cá nhân đơn lẻ và chúng tôi rất khó cho những kế hoạch lâu dài.
Kể từ lúc thành lập đến nay, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để xin tư cách pháp nhân cho trung tâm, đã gõ cửa các bộ nghành liên quan nhưng vẫn chưa được bởi lẽ đã là Giám đốc thì phải có bằng đại học mà tôi thì lấy đâu ra bằng đại học, cở sở hạ tầng....
Tôi có hỏi các cơ quan chức năng "với sản phẩm thật chúng tôi đã tạo ra cho xã hội thì có đặc cách gì không?".  Câu trả lời vẫn luôn là "phải đúng quy định thôi!".
Nếu Trung tâm của tôi có tư cách pháp nhân thì không những các tổ chức/doanh nghiệp trong nước ủng hộ mà con thu hút được nguồn lực quốc tế dành cho các tổ chức khuyết tật.
Thôi thì tự do tự tại, dù sao mình cũng đã cố gắng rồi. Các bạn tôi hay trêu đùa "lại về cái mạng lợn thôi". Tự mình xưng vương tại lãnh địa của mình, cũng chả ai gây khó mình mà.
Xin được khép lại cuộc trò chuyện với câu hỏi ước muốn lớn nhất trong năm 2011 của anh là gì?
Mong muốn thì nhiều, nhưng nói ra rồi cũng để làm gì?
Tôi giờ chỉ có kế hoạch thôi, phát triển kinh doanh và tiếp tục hỗ trợ người khuyết tật  theo khả năng.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ nhưng thông tin hữu ích!